100% tàu cá Hà Tĩnh được cấp giấy phép khai thác thủy sản
Thời gian qua, để chung tay cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trong đó, tập trung rà soát danh sách các tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản để hướng dẫn cho ngư dân.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về Luật Thủy sản 2017 và phổ biến những quy định về công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Qua đó, giúp ngư dân hiểu rõ về một số nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn, một số quy định đánh bắt và hình thành tư tưởng nghề cá bền vững.
Ngư dân Nguyễn Tâm Tiến (50 tuổi, trú ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là chủ tàu HT 90459TS cho biết, trước mỗi lần ra khơi đánh bắt, lực lượng chức năng đều kiểm tra các giấy tờ liên quan như như đăng ký, đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản. Có đầy đủ các giấy tờ trên thì tàu mới được ra khơi, còn không thì phải nằm bờ, vì thế mọi người đều chấp hành rất tốt.
Còn ông Nguyễn Văn Hoàng (huyện Lộc Hà) có thuyền dài 7,5m, rộng 2m thường chỉ đánh bắt gần bờ, sáng đi tối về, không phải lắp đặt thiết bị hành trình. Khi được hỏi về các loại giấy tờ liên quan, ông Hoàng cho biết: “Chúng tôi đã đăng ký, đăng kiểm và được cấp giấy phép khai thác thủy sản đầy đủ. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của ngư dân, bởi nếu không được ra biển thì chúng tôi lấy gì mà sống”.
Đến nay, toàn bộ 2.957 tàu cá trong tỉnh đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản, trong đó có 2.415/2.957 có giấy phép còn hạn sử dụng (đạt 81,67%). Tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 2.340 chiếc, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến 15m là 510 chiếc, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 107 chiếc. Ngoài ra, có 2.898/2.957 tàu cá thực hiện việc đánh dấu tàu cá, kẻ vẽ biển số đúng quy định (đạt 98,0 %).
Ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh là một địa phương có tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thuỷ sản ở mức thấp, chỉ đạt gần 25% vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian lực lượng chức năng tập trung rà soát, cấp giấy phép khai thác thủy sản, thì đến nay toàn tỉnh có 100% tàu cá đã được cấp, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, cao hơn mức trung bình chung của cả nước (cả nước đạt trên 52%)”.
Theo ông Thắng, trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn một số ngư dân không đăng ký, đăng kiểm, không đánh dấu tàu cá. Nguyên nhân này chủ yếu nằm ở số lượng thuyền đánh cá nhỏ, tập trung vùng bãi ngang, đánh bắt ở vùng ven bờ, thời gian đánh bắt trong ngày. Ngoài ra, lực lượng chức năng mỏng, phương tiện hạn chế nên công tác tuần tra, kiểm soát còn khó khăn.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá như đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá”, ông Thắng khẳng định.
Ngoài ra, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết sẽ tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở bằng nhiều hình thức để ngư dân hiểu rõ những tàu cá không có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản nhưng vẫn lén lút hoạt động là vi phạm Luật Thủy sản 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Trần Hoàn