Xây dựng văn hóa học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục
Kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; triển khai thực chất Bộ quy tắc ứng xử trong trường học… là những nội dung ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục chú trọng.
Có thể thấy, Quy tắc ứng xử văn hóa học đường cần được thực hiện từ những điều nhỏ nhất, bắt đầu từ người lớn là cha mẹ học sinh, cô giáo rồi tác động tích cực đến trẻ nhỏ. Trang phục, hành vi, lời nói của cha mẹ, thầy cô chuẩn mực sẽ là tấm gương sáng để con trẻ noi theo, đồng thời tạo dựng được môi trường giáo dục văn hóa, mục tiêu mà bộ quy tắc ứng xử trường học hướng tới.
Giờ đây, đến nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội điều dễ nhận thấy là học sinh đều lễ phép. Dù không biết khách đến trường là ai nhưng trong giờ ra chơi tại sân trường, nhìn thấy người lạ, các em đều chào hỏi. Không chỉ học sinh, ngay cả bảo vệ, nhân viên, hay giáo viên trong trường đều tỏ ra thân thiện.
Quan hệ giữa thầy và trò trở nên gần gũi, thấu hiểu và sẻ chia. Học sinh đã tích cực, chủ động tương tác với thầy cô giáo để trao đổi bài vở. Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh cũng ngày một cải thiện, hướng đến mục tiêu chung là giáo dục, rèn luyện học sinh theo chuẩn mực văn hóa, văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.
Ảnh minh họa |
Theo PGS. TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục thì Trong nhà trường có 4 mối quan hệ cốt lõi liên quan mật thiết đến những vấn đề xã hội, đó là quan hệ giữa trò và trò, thầy và thầy, thầy và trò, nhà trường và cộng đồng… Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học cần được xây dựng trên các mối quan hệ cốt lõi này. Trong đó, ở mối quan hệ được cho là then chốt, nền tảng nhất, đóng vai trò xương sống trong nhà trường, đó là quan hệ thầy - trò. Khi xây dựng Bộ quy tắc cần được chú trọng đặc biệt, để mỗi tiêu chí đặt ra mang tính hài hòa, cần thiết và khả thi.
Xây dựng văn hóa học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục. Ở đó diễn ra quá trình tương tác giữa thầy, cô học trò; giữa thầy cô và giữa người học với nhau. Trong đó, thầy - trò phải có mối quan hệ thân thiện, cởi mở và tuân thủ nguyên tắc “tôn sư, trọng đạo”.
Đồng thời, khuyến khích và phát huy tài năng sáng tạo của người học và người dạy. Xây dựng văn hóa học đường là xây dựng nền nếp, kỷ cương, dân chủ và các mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường theo các chuẩn mực chung của văn hóa và các quy định riêng của ngành Giáo dục.
Còn ông Lê Đức Thuận– Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, ngành giáo dục Ba Đình có nhiều biện pháp hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.
“Công tác giáo dục an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, tác hại của các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh được quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt…”, ông Thuận nhấn mạnh.
"Thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục Ba Đình triển khai đa dạng hoá nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh.
Đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho học sinh.
Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương tổ chức hiệu quả các phong trào hành động của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó là nhân rộng các mô hình tiên tiến, những việc làm tốt để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng... xây dựng thế hệ trẻ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới...", ông Thuận cho biết thêm.
Ngành giáo dục thủ đô cũng nhận định các nhà trường phải hoàn thiện văn bản về quy định, quy chế ở mức tốt nhất, phù hợp thực tiễn phát triển. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ quán lý, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên và gia đình về sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa học đường trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, giáo viên và lực lượng giáo dục khác. Mặt khác, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa lành mạnh, thân thiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhằm tạo sự chuyến biến căn bản về ứng xử văn hóa trong nhà trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhằm hướng tới môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, tích cực và hướng tới sự phát triển bền vững.
Hoàng Thanh