Bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường phải được xây dựng trên 4 mối quan hệ cốt lõi
Vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc học sinh gây gổ, đánh nhau chỉ vì những phát ngôn trên mạng hay xích mích cá nhân mà để lại hậu quả khôn lường.
Hiện tượng này không mới nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Các vụ việc không đơn thuần chỉ là những hành vi đánh nhau dẫn đến thương tích cho cơ thể mà các em còn quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân.
Nói về bạo lực học đường, trước đó Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh thừa nhận thực tế biểu hiện của văn hóa học đường ở một số nơi, một bộ phận chủ thể (cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên, người lao động) trong môi trường giáo dục bị lệch chuẩn, gây ra những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội… Thực trạng ấy không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học đường, làm giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.
Ngoài học tập, học sinh gắn bó chơi đùa cùng nhau cũng giúp mối quan hệ của các em khăng khít hơn. (ảnh minh họa) |
Nhiều chuyên gia cho rằng để ngăn chặn bạo lực học đường cần thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường và cần được thực hiện từ những điều nhỏ nhất, bắt đầu từ người lớn là cha mẹ học sinh, cô giáo rồi tác động tích cực đến trẻ nhỏ. Ví dụ như trang phục, hành vi, lời nói của cha mẹ, thầy cô chuẩn mực sẽ là tấm gương sáng để con trẻ noi theo, đồng thời tạo dựng được môi trường giáo dục văn hóa, mục tiêu mà bộ quy tắc ứng xử trường học hướng tới.
Mọi quy tắc, quy định hay quy chế được thực hiện đều xuất phát từ sự tôn trọng và dân chủ. Hay đơn thuần là học sinh được bày tỏ, thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt. Giáo viên được khích lệ, động viên kịp thời, thể hiện tính dân chủ trong mọi công việc, cởi mở đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm trên tinh thần xây dựng tích cực…
Cho rằng khi ngôi trường, thầy cô trở nên gần gũi, thân quen với học sinh và cha mẹ học sinh thì công tác giáo dục, đào tạo có gặp khó khăn gì cũng có thể vượt qua, cô Đồng Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Biên (quận Long Biên) cùng tập thể sư phạm đã tổ chức sáng tạo các hoạt động “Xây dựng nét đẹp văn hóa của giáo viên và học sinh”.
Từ mô hình này, 100% giáo viên có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thực hiện nghiêm túc thời gian làm việc, quy chế chuyên môn, tác phong làm việc nhanh nhẹn, hiệu quả. Nét đẹp văn hóa ứng xử giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giáo viên với giáo viên, giáo viên với phụ huynh và giáo viên với học sinh không chỉ thể hiện rõ nét trong công việc mà còn lan tỏa đến cuộc sống hàng ngày, sinh hoạt tại địa phương và nhận được phản hồi tích cực từ cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn.
Cùng với đó, 100% học sinh có sự chuyển biến rõ nét trong văn hóa chào hỏi, ứng xử hàng ngày, tạo được cảm giác thân thiện, gần gũi, văn hóa giao thông được lan tỏa và đã trở thành nét văn hóa đẹp của nhà trường…
PGS. TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục thì cho rằng: “Trong nhà trường có 4 mối quan hệ cốt lõi liên quan mật thiết đến những vấn đề xã hội, đó là quan hệ giữa trò và trò, thầy và thầy, thầy và trò, nhà trường và cộng đồng… Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học cần được xây dựng trên các mối quan hệ cốt lõi này.
Trong đó, ở mối quan hệ được cho là then chốt, nền tảng nhất, đóng vai trò xương sống trong nhà trường, đó là quan hệ thầy và trò. Khi xây dựng Bộ quy tắc cần được chú trọng đặc biệt, để mỗi tiêu chí đặt ra mang tính hài hòa, cần thiết và khả thi”.
Thế nhưng, hiện nay việc tiếp cận một cách tổng thể về xây dựng văn hóa học đường, xây dựng hệ giá trị văn hóa trong trường học còn nhiều hạn chế, bất cập. Kỷ cương nhà trường, sự gương mẫu của nhà giáo ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử, giao tiếp (nói và hành xử không đúng chuẩn mực văn hóa, bạo lực học đường...).
Bên cạnh đó, bệnh thành tích, hình thức, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để. Những biểu hiện thiếu chuẩn mực đã ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục cũng như sự phát triển toàn diện của học sinh.
Hoàng Thanh