Xây dựng văn hóa học đường phải tạo sự chuyển hóa mạnh mẽ về chất
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường đã có những kết quả nhất định và góp phần to lớn trong việc hình thành nhân cách học sinh, sinh viên, mang đến cho các em một môi trường học tập an toàn, thân thiện.
Hoàn thiện, phát triển văn hóa học đường chính là nhiệm vụ phát triển môi trường giáo dục. Môi trường văn hoá học đường là nơi mà mỗi cá nhân hoạt động trong đó thể hiện mình một cách thuận lợi nhất vì mục tiêu chung của cộng đồng còn mục tiêu chung nhất của văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục.
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên thì văn hóa học đường chính là môi trường giáo dục hiện đại trong đó hoạt động cốt lõi của nhà trường là sáng tạo, trách nhiệm và dẫn dắt xã hội.
Và để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ trong nhà trường (phổ thông và đại học) điều quan trọng là phải xây dựng môi trường học tập - sáng tạo lành mạnh, môi trường làm việc - dân chủ để họ có chỗ cống hiến trong thực tiễn lao động. Đồng thời là chính sách việc làm, khởi nghiệp sáng tạo và các cơ chế đảm bảo.
Và muốn thực hiện được mục tiêu trên thì phải tiếp cận giá trị - văn hóa khi đánh giá chất lượng giáo dục. Theo đó, trong quá trình triển khai viết SGK cần chọn lọc các giá trị cốt lõi để thẩm thấu vào nội dung, đưa vào chương trình giáo dục; thay đổi thói quen của xã hội về giá trị học vấn, bằng cấp, thi cử… để hiểu chất lượng giáo dục là một quá trình tích tụ lâu dài, bền bỉ và phụ thuộc vào sự nỗ lực của chủ thể người học. Nhận thức đúng về mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người - chính là sự thay đổi căn bản.
Nền tảng tư tưởng “phát triển toàn diện con người” đã tạo điều kiện để xây dựng một nền giáo dục mở, xây dựng một xã hội học tập. Chỉ trong điều kiện này, các giá trị văn hóa học đường mới được thể hiện, nhà trường mới khẳng định được giá trị của mình với xã hội.
Mỗi thầy cô phải nêu gương về sự trung thực cho các em. (ảnh minh họa) |
Theo đại diện Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Minh thì thời gian qua, từ nhận thức đúng về việc coi trọng xây dựng văn hóa học đường, toàn ngành giáo dục đã tập trung triển khai có hiệu quả các văn bản với nhiều cách làm sáng tạo cũng như coi trọng nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng các kho dữ liệu, học liệu dùng chung và áp dụng mạnh mẽ trong công tác điều hành và quản lý của ngành; trong đó có việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Trên cơ sở đó, các nhà trường đã xây dựng phương án triển khai, thực hiện bộ quy tắc ứng xử của trường mình với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh...).
Theo đó, ngành đã triển khai nhiều giải pháp bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; thể hiện những giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử như lòng nhân ái, vị tha, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, thái độ, trách nhiệm với bản thân, gia đình xã hội, phẩm chất trung thực trong học tập và trong cuộc sống, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo và từng vùng miền.
Để mọi trẻ em, học sinh, sinh viên có được phẩm chất này, ngành Giáo dục luôn xác định, phải tạo sự chuyển hóa mạnh mẽ về chất; không chỉ là vấn đề chất lượng giáo dục mà sâu xa hơn thế, đó còn là dày công tạo dựng, uốn nắn hành vi, thái độ ứng xử cho trẻ em, học sinh sinh viên.
Muốn vậy, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Minh thì mỗi thầy cô, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi phụ huynh, mỗi cán bộ lãnh đạo các cấp, các đảng viên và người cao tuổi phải thực sự có lối sống chuẩn mực, phải nêu gương về sự trung thực cho các em. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quán triệt và coi trọng công tác chỉ đạo để thực thi nhiệm vụ này, liên tục uốn nắn đội ngũ với nhiều hình thức và giải pháp khác nhau.
Với cách thức chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường đã có những kết quả nhất định và góp phần to lớn trong việc hình thành nhân cách học sinh, sinh viên, mang đến cho các em một môi trường học tập an toàn, thân thiện và tích cực.
Đây chính là những nỗ lực tích cực nhằm hiện thực hóa mục tiêu “phát triển con người toàn diện” và “con người thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Hoàng Thanh