Việt Nam tham dự cuộc họp của HĐBA LHQ về tình hình Sudan
Việt Nam tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc bàn về tình hình ở Sudan liên quan tới quá trình chuyển tiếp chính trị ở nước này.
Ông Volker Perthes, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Sudan, nhấn mạnh dù Sudan đang có những bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển tiếp chính trị, nhưng những thách thức trên con đường tiến tới dân chủ vẫn còn “gây choáng váng”.
Trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 9/3 của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), ông Perthes đã công bố thông tin về các hoạt động bước đầu của Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ tại Sudan (UNITAMS) trong hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp ở Sudan, đồng thời khẳng định Phái bộ sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ với chính phủ Sudan trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc họp bàn về tình hình tại Sudan. (Ảnh minh họa) |
Trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực Darfur đã được cải thiện, ngày 22/12/2020, HĐBA thông qua Nghị quyết 2559, trong đó quyết định chấm dứt nhiệm vụ của UNAMID vào ngày 31/12/2020 và đề nghị UNAMID hoàn thiện việc rút quân từ 1/1/2021 đến trước ngày 30/6/2021.
Trước đó, vào tháng 6/2020, HĐBA quyết định thành lập UNITAMS theo Nghị quyết 2524. Đây là Phái bộ Chính trị với nhiệm vụ chính hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp, quản trị nhà nước ở Sudan, hỗ trợ tiến trình hòa bình và việc huy động nguồn lực cho kinh tế và phát triển và phối hợp hỗ trợ nhân đạo.
UNITAMS cũng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho chính phủ Sudan trong công tác bảo vệ thường dân ở Darfur nhưng không trực tiếp tham gia bảo vệ thường dân như UNAMID.
“Tôi tin tưởng ràng với sự hỗ trợ thống nhất của HĐBA LHQ, chúng ta sẽ có thể tạo ra sự khác biệt ở Sudan”, ông Perthes nói.
Cũng theo ông Perthes, trong chuyến công tác gần nhất kéo dài 5 tuần ở Sudan, ông đã gặp gỡ chính phủ chuyển tiếp quyền lực và Hội đồng Chủ quyền, cũng như nghe các báo cáo liên quan tới nhiều lĩnh vực ở Sudan.
Bên cạnh đó, các báo cáo viên đã thông tin về những diễn biến mới về tình hình Sudan trong 3 tháng qua, trong đó có các tiến triển trong việc thực thi Thỏa thuận Hòa bình ngày 3/10/2020 giữa chính phủ và phần lớn các nhóm vũ trang tại khu vực Darfur.
Dù Ủy ban chuyển tiếp và nội các mới được thành lập, song các báo cáo viên vẫn bày tỏ quan ngại về những khó khăn về kinh tế, nhân đạo và tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng, đặc biệt ở khu vực Darfur.
Cụ thể, theo ông Perthes, mặt trận kinh tế là vô cùng khó khăn khi lạm phát ở Sudan là 304%, cùng tình trạng thâm hụt tài chính và thương mại, tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn đói đẩy Sudan vào nguy cơ tiếp tục rơi vào bất ổn. Ngoài ra, 13,4 triệu người tương đương 1/4 dân số ở Sudan cũng đang cần hỗ trợ nhân đạo gấp bao gồm 2,5 triệu người đi sơ tán trong nước. Thậm chí, Sudan đang là nơi sinh sống của 1 triệu người tị nạn, mà trong đó có 70.000 người từ Ethiopia.
Các nước thành viên HĐBA cho rằng tình hình Sudan vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng, tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, nhân đạo.
Do đó, các nước đã đề nghị chính phủ Sudan thúc đẩy hơn nữa khả năng bảo vệ thường dân ở khu vực Darfur cũng như bảo đảm an toàn cho Phái bộ Hỗn hợp LHQ - Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID) trong quá trình Phái bộ này rút lực lượng. Đại biện lâm thời Sudan tại LHQ khẳng định, chính phủ sẽ nỗ lực thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp ở nước này cũng như bảo đảm trách nhiệm hàng đầu của mình trong bảo vệ dân thường ở Sudan, trong đó có khu vực Darfur.
Bà Kholood Khair, đại diện tổ chức Đối tác chiến lược toàn diện ở Sudan, nhấn mạnh trong hơn 30 năm, người dân Sudan đã chứng kiến tình trạng bạo lực và xung đột kéo dài. Do đó, quá trình chuyển tiếp quyền lực chính là cơ hội để Sudan tạo ra sự thay đổi.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đánh giá cao những tiến triển tại Sudan thời gian qua và bày tỏ mong muốn Chính phủ chuyển tiếp và các bên liên quan ở Sudan sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ Thỏa thuận Hòa bình ngày 3/10/2020, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định lâu dài ở nước này.
Đại sứ kêu gọi Sudan tăng cường các nỗ lực bảo vệ thường dân và xử lý nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bạo lực giữa các cộng đồng, trong đó có các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin và hòa giải.
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đánh giá cao vai trò của LHQ, các nước và tổ chức khu vực trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Sudan và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và tạo điều kiện hơn nữa cho Sudan tiếp cận các thể chế tài chính quốc tế.
Đồng thời, Đại sứ bày tỏ mong muốn UNITAMS sẽ sớm được vận hành đầy đủ để hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp và phát triển ở Sudan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho lực lượng của UNAMID trong quá trình rút quân.
Minh Thu