Từ vụ nữ sinh Bắc Giang đâm bạn, cần làm gì giúp HS vượt qua bạo lực học đường?
Do mâu thuẫn một nữ sinh tại THPT Hiệp Hòa số 5 (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã mang dao đi học, xô xát khiến nam sinh cùng lớp bị thương.
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Hòa số 5 cho biết khoảng 11h45' ngày 16/5 đã xảy ra một vụ xô xát giữa hai học sinh của nhà trường.
“Nữ sinh L.N.A (SN 2001) học sinh lớp 11 của trường đã mang dao đi học. Sau giờ học, nữ sinh N.A đã hẹn nam sinh cùng lớp tên N.V.T (tên thường gọi T. cỏ) ra một địa điểm cách trường 700m và nói chuyện.
Quá trình nói chuyện có to tiếng và xảy ra xô xát, nữ sinh N.A đã dùng dao giấu trong cặp đâm nam sinh T. bị thương.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã đưa nam sinh này đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang”, ông Nguyễn Xuân Sinh cho hay.
Theo ông Sinh, sự việc đáng tiếc này xuất phát từ mâu thuẫn trước đây giữa T. và N.A. Hiện tại, Ban Giám hiệu nhà trường đã mời gia đình các bên liên quan đến làm việc, đồng thời báo cáo Sở GD-ĐT Bắc Giang về sự việc.
Nam sinh T. khi được cấp cứu tại bệnh viện |
Được biết, tình hình sức khỏe của nam sinh T. đã ổn định. Nguyên nhân cụ thể về sự việc đang được cơ quan Công an huyện Hiệp Hòa tiến hành điều tra, làm rõ.
Trước sự việc đau lòng này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay: “Lớp 11 là lứa tuổi vị thành niên có nhiều biến động. Những nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra thực tế không ít trẻ ở lứa tuổi vị thành niên hay rơi vào trạng thái hoang mang, dao động, mất phương hướng, bất chất những quy định, bỏ qua những giá trị sống cơ bản, nông nổi, bốc đồng. Điều này giải thích tại sao các em dễ bạo hành với đối phương".
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh cũng chia sẻ, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nữ sinh thường rất nhạy cảm, hay để ý những điều nhỏ nhen, dễ thay đổi thất thường, cảm xúc không ổn định và khó kiểm soát cả nhận thức và hành vi. Cùng với những biến đổi thất thường ở lứa tuổi vị thành niên thì ở các em hay xảy ra sự hiềm khích, ghen tị, đố kỵ giữa đám bạn nữ cùng trang lứa. Vì vậy mà những vụ đánh nhau quay clip lên mạng phần lớn là các nữ sinh tham gia.
Nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường thườngđược nhen nhóm từ những chuyện nhỏ nhặt ngày này qua ngày khác mà không giải quyết được triệt để.
Nếu việc thỏa thuận dứt khoát, rõ ràng, hợp tình hợp lý thì không xảy ra xô xát, còn khi không thỏa hiệp được hoặc một trong hai nhóm không kiềm chế được thì sẽ xúc phạm đối phương.
Cũng theo cô Nguyễn Phương Anh, để hạn chế tối đa tình trạng bạo lực học đường, giáo viên chủ nhiệm cũng như các chuyên viên tư vấn học đường cũng phải kịp thời phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm các biểu hiện dẫn đến xung đột học đường, nhất là chia sẻ cùng các em những khó khăn tâm lý trong mối quan hệ, trong đó có quan hệ tình yêu nam nữ.
Cùng với đó, nhằm can thiệp và phòng ngừa những rối nhiễu tâm lý của học sinh, ngành giáo dục cần có chương trình giáo dục sức khoẻ tinh thần cho học sinh trong các nhà trường từ bậc học mầm non.
Bộ phận y tế học đường cần có đội ngũ có năng lực và nghiệp vụ chuyên môn làm công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh.
Bên cạnh đó, việc cải tiến chương trình sách giáo khoa theo hướng giảm tải cần được tiến hành song song với việc giảm áp lực, căng thẳng trong học tập của học sinh.
Các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường cần tạo ra những sân chơi sôi nổi, bổ ích nhằm giúp học sinh gần gũi và đoàn kết với nhau hơn, đồng thời tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần hình thành thế giới quan lành mạnh.
“Chăm sóc sức khoẻ tinh thần là điều kiện nền tảng quan trọng để phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Có thể khẳng định, việc chăm lo đời sống tinh thần, tâm lý của học sinh là khá phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế, kiên trì, khéo léo, sự cố gắng, nỗ lực từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và xã hội. Cần nhận thức đầy đủ về tác hại trước mắt và lâu dài của hiện tượng rối nhiễu tâm lý trong học sinh và có biện pháp khắc phục kịp thời bởi đây chính là những chủ nhân thực sự của đất nước trong tương lai”, cô Phương Anh cho hay.
Hoàng Thanh