5 nguyên tắc bảo vệ trẻ trên không gian mạng trong đại dịch
Khi trẻ tham gia môi trường mạng để an toàn thì cha mẹ phải trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao?
Báo cáo Đánh giá đe dọa toàn cầu năm 2021 của WeProtect - phong trào tập hợp hơn 200 chính phủ và các công ty, tổ chức dân sự để thay đổi phản ứng toàn cầu đối với tình trạng bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng - đưa ra giữa tháng 10/2021, cho thấy hai năm qua "Covid-19 đã tạo ra một 'cơn bão hoàn hảo' để thúc đẩy sự gia tăng lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên toàn cầu".
Theo đó, lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trên mạng đã đạt mức cao nhất tại nhiều quốc gia. Ví dụ tại Mỹ, Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột mỗi ngày phải xử lý 60.000 báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến.
Hành vi xâm hại trên mạng thể hiện rất đa dạng, như: đánh cắp thông tin cá nhân, xâm hại tình dục bằng cách đe dọa đăng hình ảnh nhạy cảm, cưỡng bức xem hình ảnh khiêu dâm, quấy rối qua tin nhắn, bắt trẻ gửi hình ảnh hoặc live stream nhạy cảm, bắt nạt trên mạng, công kích bằng lời, hù dọa, thách thức, bêu xấu trẻ...
Nguyên tắc bảo vệ trẻ trên không gian mạng. |
Theo các chuyên gia, thủ đoạn của những kẻ xâm hại tình dục trẻ em rất tinh vi. Ban đầu, kẻ xâm hại thường tiếp cận các em qua các diễn đàn, mạng xã hội (các nhóm, hội), hay qua các phòng chat hay game online. Sau đó chúng tạo niềm tin bằng cách khen ngợi, quan tâm, tặng quà và tiền, khiến trẻ tin tưởng. Kẻ xâm hại thường tạo sự cảm thông với trẻ, khiến trẻ mất cảnh giác, đáp ứng các yêu cầu như gửi ảnh, quay video, hình ảnh nhạy cảm. Nếu trẻ từ chối, chúng dọa sẽ kể cho bố mẹ, bạn bè hoặc phát tán những hình ảnh, video chúng đã có. Giai đoạn này thường quá khả năng xử lý của trẻ.
Để giúp cho con em mình không gặp phải rắc rối khi tham gia vào môi trường mạng, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF đã đưa ra 5 nguyên tắc với cha mẹ trong đại dịch:
1. Giao tiếp cởi mở với con
Cha mẹ cần đối thoại với trẻ về việc chúng giao tiếp qua mạng với ai và như thế nào. Đảm bảo con bạn hiểu được cách tương tác qua mạng đúng đắn, không chấp nhận sự phân biệt đối xử. Nếu con bạn gặp bất kỳ điều gì không đúng, hãy khuyến khích chúng nói với bạn hoặc người lớn đáng tin cậy ngay lập tức. Hãy cảnh giác, nếu con bạn tỏ ra khó chịu hoặc ‘bí mật’ các hoạt động của chúng, chúng có thể đang bị đe dọa trên mạng.
2. Tận dụng công nghệ để bảo vệ con
Đảm bảo thiết bị con bạn dùng đang chạy chương trình chống vi-rút mới nhất, cài đặt bảo vệ quyền riêng tư, che webcam lại khi không sử dụng. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh nên sử dụng các công cụ hỗ trợ để đảm bảo cho việc lên mạng của trẻ được an toàn và có tác dụng tốt.
3. Dành thời gian trực tuyến với con
Cha mẹ nên dành thời gian cùng lên mạng với con để xác định các ứng dụng, trò chơi và các hình thức giải trí trực tuyến khác có phù hợp với lứa tuổi của trẻ hay không. Khi trẻ em dành nhiều thời gian trên mạng hơn, chúng có thể tiếp xúc với nhiều quảng cáo có thể quảng bá thực phẩm không lành mạnh, định kiến hoặc tài liệu không phù hợp với lứa tuổi nhỏ. Ngoài ra cha mẹ còn cần giúp con nhận biết để tránh thông tin sai lệch, làm tăng lo lắng về vi rút Covid-19. Trên mạng có rất nhiều nguồn thông đáng tin cậy như UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới, để bạn và trẻ cùng nhau tìm hiểu về vi rút.
4. Khuyến khích các thói quen dùng mạng lành mạnh
Cha mẹ nên thúc đẩy và giám sát hành vi con trẻ trên mạng, đặc biệt là trong cuộc gọi điện qua video. Lưu ý đến việc chúng mặc quần áo gì và tránh gọi điện video từ phòng ngủ. Giúp con bạn học cách giữ bí mật thông tin cá nhân, đặc biệt là với người lạ, không cung cấp ảnh, tên đầy đủ để sử dụng các tài liệu miễn phí.
5. Hãy để trẻ vui vẻ và thể hiện bản thân
Học qua mạng ở nhà là một cơ hội tuyệt vời để con bạn học cách sử dụng tiếng nói của mình trên mạng. Cha mẹ có thể khuyến khích con tận dụng một số công cụ kỹ thuật số để giúp chúng vận động, như video tập thể dục trực tuyến hoặc trò chơi điện tử yêu cầu vận động cơ thể cho trẻ em. Điều quan trọng nhất là phải có sự cân bằng giữa giải trí trực tuyến với các hoạt động bên ngoài (nếu an toàn).
K.Chi