Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN
Cuộc thi “Thử thách sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN” sẽ bắt đầu từ ngày 25/6 đến ngày 6/8/2020.
Ngày 24/6, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad) đã công bố cuộc thi “Thử thách sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN” ở các thành phố ven biển Vịnh Hạ Long (Việt Nam) và đảo Samui (Thái Lan) vào năm 2020, sau đó là Indonesia và Philippines vào năm 2021.
Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong khu vực ASEAN |
Rất nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã được phát triển, nhưng những giải pháp này thường thiếu sự hỗ trợ hoặc gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) mang đến cơ hội thú vị cho các nhà sáng tạo để nhận được nguồn tài trợ vốn mồi và đào tạo ươm mầm giúp họ tối đa hóa cơ hội thành công.
Cuộc thi sáng tạo chào đón tất cả các nhà sáng tạo đến từ khu vực ASEAN – bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức học thuật, các cơ quan nhà nước và các cá nhân – tới chia sẻ những ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở Vịnh Hạ Long hoặc Koh Samui.
Các nhà sáng tạo quan tâm được mời đăng ký trên trang web của EPPIC từ ngày 25/6/2020 đến 23:59 đêm ngày 6/8/2020. 10 đến 15 người lọt vào vòng chung kết sẽ được công bố vào ngày 16/8 và họ sẽ được đăng ký tham gia khóa đào tạo ươm mầm trong 03 tháng do UNDP Impact Aim, là cơ quan thúc đẩy tác động tích cực của các công ty khởi nghiệp địa phương, thực hiện.
Sau khi kết thúc khóa đào tạo ươm mầm, các thí sinh lọt vào vòng chung kết sẽ trình bày các giải pháp của họ trong Cuộc thi Khởi nghiệp vòng Chung kết của EPPIC và từ 02 đến 04 thí sinh sẽ được Ban giám khảo lựa chọn là người chiến thắng chung cuộc của Cuộc thi EPPIC 2020. Mỗi người chiến thắng sẽ được nhận khoản vốn mồi lên tới 18.000 USD mà không phải góp vốn cổ phần, cũng như được tham gia thêm chương trình tăng tốc tác động trong 9 tháng, và có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp đầu tư tác động và các doanh nghiệp phát triển chủ chốt khác trong khu vực ASEAN.
Các địa điểm cho Thử thách EPPIC 2020
Vịnh Hạ Long, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận tại tỉnh Quảng Ninh, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam, nơi đã đón 14 triệu lượt khách du lịch vào năm 2019. Mỗi ngày, tỉnh Quảng Ninh phát sinh khoảng 1.397 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 12-18% là rác thải nhựa. Thêm vào đó, mỗi ngày có khoảng 34 tấn rác thải phát sinh từ riêng các hoạt động du lịch, một số rác thải trong số đó bị khách du lịch xả thẳng xuống đại dương. Vịnh Hạ Long cũng là nơi có ngành nuôi trồng thủy sản lớn với 20.600 ao cá và 9.600 lồng nuôi cá, điều này có nghĩa là các thiết bị như phao và lưới đánh cá là những ngư cụ bằng nhựa phổ biến nhất bị thất lạc hoặc bị thải ra môi trường.
Koh Samui (Đảo Samui) là hòn đảo lớn nhất trong một quần đảo nằm ngoài khơi bờ biển phía đông bắc của tỉnh Surat Thani ở Thái Lan. Điểm du lịch rất nổi tiếng này đã đón hơn 2,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2017 nhưng lại có hệ thống quản lý rác thải hạn chế trong khi phải quản lý khoảng 10.800 tấn rác thải nhựa được phát sinh hàng năm, phần lớn là bao bì thực phẩm từ gần 2.000 nhà hàng và cửa hàng tiện lợi phục vụ du khách.
Mỗi năm, khoảng 08 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ vào đại dương. Khi bị phân hủy thành các mảnh nhựa siêu nhỏ, chúng sẽ đe dọa cuộc sống thủy sinh, xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người và ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Chỉ riêng Việt Nam đã tạo ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, và con số này ngày càng tăng: chỉ riêng năm 2019 mức tăng đã là 16%.
“Hành tinh của chúng ta đang bị đe dọa hơn bao giờ hết với những thách thức tồn tại từ lâu trước khi có đại dịch COVID-19, đặc biệt là biến đổi khí hậu và rác thải nhựa đại dương. Chúng tôi tin rằng các quốc gia ASEAN có tiềm năng sáng tạo lớn có thể được nhân rộng nhằm đem lại những tác động đáng kể. Chúng tôi cũng thấy những nỗ lực từ các quốc gia thành viên trong việc cấm đồ nhựa sử dụng một lần, áp dụng khái niệm Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), thúc đẩy các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi, giới thiệu các phương án thay thế thân thiện với môi trường hoặc hỗ trợ các sáng kiến tái chế,” bà Kanni Wignaraja, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á Thái Bình Dương UNDP cho biết.
Diệu Thùy