ĐBQH Hoàng Văn Cường: Thanh toán không dùng tiền mặt kiểm soát được tham nhũng, rửa tiền
Đây là quan điểm của ĐBQH Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội xung quanh việc làm thế nào để đẩy mạnh hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021…
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐHKT Quốc dân, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, chúng ta đã nhìn thấy lợi ích rất lớn từ việc thanh toán không dùng tiền.
Trước hết không phải chi phí cho lưu thông đồng tiền (in tiền, quản lý tiền, vận chuyển tiền, các phương tiện giao dịch tiền, an toàn, an ninh…, người thủ quỹ liên quan đến tiền). Tất cả những giao dịch liên quan đến tiền mặt có chi phí rất lớn không chỉ đối với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp mà bản thân cá nhân, gia đình cũng có những chi phí liên quan đến tiền mặt.
Thứ hai, khi thanh toán không dùng tiền mặt, nhà nước kiểm soát được dòng tiền rất rõ. Nếu đó là tiền mặt thì nhà nước sẽ không biết tiền đó đang nằm ở nhà ai, két doanh nghiệp nào, khu vực nào nhưng nếu thanh toán không dùng tiền mặt thì tiền ấy nằm ở đâu, đang dư thừa ở dạng tiết kiệm hay dư thừa ở tiền nhàn rỗi tạm thời nằm ở tài khoản vãng lai… thì nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được.
“Như vậy nhà nước có căn cứ để xây dựng chính sách nhằm thu hút, điều phối dòng tiền không để bị ứ đọng ở một khu vực. Tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách điều hành tiền tệ, ổn định giá cả lưu thông trên thị trường. Rõ ràng việc thanh toán không dùng tiền mặt chính là công cụ hỗ trợ cho chính sách quản lý tiền tệ tốt hơn rất nhiều”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Thứ 3, khi thanh toán không dùng tiền mặt sẽ kiểm soát được nhiều hoạt động khác, ví dụ như tham nhũng, góp phần rất lớn vào hoạt động phòng chống rửa tiền.
Đến thời điểm này, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng mọi điều kiện cho việc triển khai sâu rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã hội đủ yếu tố cần và đủ.
“Công nghệ đã phát triển, bất kể lúc nào, chỉ cần một điện thoại smartphone có kết nối internet là người dân đều có thể thực hiện các giao dịch. Hơn thế nữa qua đợt dịch vừa qua, người dân cũng đã làm quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều kiện cần và đủ đều có, do đó tôi cho rằng chính đây là cơ hội thực hiện sâu, rộng hơn nữa việc không dùng tiền mặt ở mọi hoạt động trong đời sống”, ĐB Hoàng Văn Cường nêu.
Vấn đề đặt ra theo ông Cường bây giờ phải có chế tài để việc thanh toán không dùng tiền mặt triển khai trên mọi mặt đời sống. Theo đó, dù không thể cấm không dùng tiền mặt nhưng chúng ta cũng phải có chế tài để bắt buộc đối với những người sử dụng ngân sách nhà nước- phải thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt qua ngân hàng; đối với khu vực tư nhân phải tăng chi phí khi giao dịch bằng tiền mặt.
“Chẳng hạn khi ông giao dịch bằng tiền mặt ông phải nộp phí cao hơn… ví dụ như các giao dịch mua bán bất động sản sẽ đánh phí cao nếu giao dịch bằng tiền mặt. Mua, bán cái nhà chục tỷ đồng nhưng nếu giao dịch bằng tiền mặt sẽ phải mất phí vài trăm triệu thì chắc chắn người ta sẽ chuyển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngay lập tức”, ông Cường cho hay.
Song song với đó, ông Cường cũng nhấn mạnh cần có những cơ chế khuyến khích đối với những giao dịch không dùng tiền mặt. Theo đó cần tăng thêm lợi ích, thêm quà tặng, phần thưởng để họ sử dụng hình thức thanh toán này.
“Thương mại điện tử thời gian qua phát triển rất mạnh nếu không quản lý được mà dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử sẽ không quản lý được thuế.
Đã đến lúc, chúng ta có các điều kiện cần và đủ để mạnh tay với chủ trương không dùng tiền mặt khi thanh toán. Luật Phòng chống rửa tiền đã ra đời mà không đưa thanh toán không dùng tiền mặt vào thì làm sao chống được?”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.
N. Huyền