Thạch Thất (Hà Nội) chăm lo sức khoẻ người cao tuổi
Ngày 27/9/ 2022, Trung tâm Y tế Thạch Thất tổ chức tuyên truyền lưu động hưởng ứng kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10) năm 2022.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch số 544/KH-BCĐ ngày 13/9/2022 của Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ huyện về kế hoạch tổ chức hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26/9), Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10) và Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) năm 2022; kế hoạch số 556/KH-TTYT ngày 20/9/2022 về kế hoạch tuyên truyền lưu động hưởng ứng ngày Quốc tế người cao tuổi.
Hoạt động tuyên truyền lưu động nhân dịp hưởng ứng kỷ niệm Ngày quốc tế người cao tuổi 01/10 năm 2022 với chủ đề: “Quan tâm, chăm sóc và phát huy vai trò, vị thế của người cao tuổi - Chủ động thích ứng với già hóa dân số” với mục đích kêu gọi hành động từ lãnh đạo cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở các cấp ; các tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ y tế hưởng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi; Tăng cường sự tham gia phối hợp đồng bộ, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ y tế, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Báo cáo của huyện Thạch Thất cho thấy, cơ cấu dân số huyện đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh. Theo số liệu thu thập từ kho dữ liệu chuyên ngành dân số của huyện vào thời điểm 8 tháng đầu năm 2022, toàn huyện hiện có 33.272 cụ trên 60 tuổi, trong đó người cao tuổi (NCT) từ 60 - 69 tuổi có 19.182 người, NCT từ 70 - 79 tuổi có 8.446 người, NCT trên 80 tuổi có 5.644 người.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, một người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính gồm: Tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Đây là thực trạng đòi hỏi người cao tuổi cần được chăm sóc cao hơn so với các độ tuổi khác. Thực tế cho thấy khi người cao tuổi bị ốm, họ thường không chỉ bị một bệnh mà có tới 4-6 bệnh kèm theo.
Trong khi đó, với tỷ lệ người cao tuổi lớn, gia tăng hàng năm của huyện Thạch Thất, đây thực sự là gánh nặng cho công tác chăm sóc sức khoẻ của nhóm người này tại địa phương nói chung và ngành y tế cơ sở nói riêng.
Nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng thuộc Đề án “Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi” giai đoạn 2017 – 2025 trên địa bàn huyện Thạch Thất, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Ban Dân số-KHHGĐ tổ chức nhiều lớp truyền thông, tư vấn chính sách dân số trong giai đoạn hiện nay với nhiều kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Lãnh đạo TTYT huyện Thạch Thất cũng cho biết thêm đơn vị cũng tích cực phối hợp với Hội người cao tuổi huyện chỉ đạo Trạm y tế, Hội người cao tuổi các xã, thị trấn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 26.479 người cao tuổi.
Ông Nguyễn Văn Bình ( 81 tuổi, xã Bình Yên) cho biết, thời gian qua ông luôn được hội người cao tuổi tại địa phương quan tâm. Theo đó, hàng năm ngày người cao tuổi, ngày thương binh liệt sĩ, ông đều được thăm khám sức khoẻ miễn phí. Ngoài ra, những dịp lễ Tết ông cũng được các cấp hội của địa phương tặng quà.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số và năm 2050 là 26% tổng dân số.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặt ra nhiều chủ trương chính sách nhằm chăm sóc, phát huy và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Theo đó, người cao tuổi Việt Nam đã được hưởng nhiều chính sách như về chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội, chúc thọ và mừng thọ, các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, giải trí, du lịch, giảm giá vé khi tham gia giao thông...
Một số nhóm người cao tuổi đặc biệt khó khăn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, như: người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội còn được hưởng trợ cấp hàng tháng...
Tuy nhiên, người cao tuổi đang dần phải đối mặt với các khó khăn như bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình, trong cộng đồng và toàn xã hội đó là nỗi buồn của người cao tuổi.
N. Huyền