Tập huấn hướng dẫn quy trình giám định với trẻ em bị xâm hại tình dục
TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, lớp tập huấn được triển khai sau khi Thông tư số 13/2022/TT-BYT ngày 30/11/2022 được ban hành nhằm hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về quá trình tiếp nhận trẻ em bị hành hạ, ngược đãi và xâm hại tình dục có thể khám giám định.
Một thông tin đáng chú ý tại buổi tập huấn là hàng năm, các đơn vị pháp y trên cả nước giám định khoảng 2.000 trường hợp có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em.
Xâm hại tình dục trẻ em có thể gây nên hậu quả như tổn thương cơ thể, lây nhiễm các bệnh hoa liễu (từ kẻ dâm ô) như lậu, sùi mào gà… Nghiêm trọng hơn là gây ảnh hưởng tinh thần rất nhiều đối với trẻ.
Theo các chuyên gia, dưới góc độ giám định pháp y, dấu vết của hành động dâm ô để lại trên người nạn nhân có thể là các tổn thương nhẹ, các vết xước không lớn, vết xuất huyết, vết rạn, xây xát da niêm mạc có thể nhanh chóng biến mất, không để lại dấu vết. Một số cháu nhỏ 5-7 tuổi có thể bị những tổn thương nặng hơn vì các cháu không biết chống cự.
Hiện, công tác giám định pháp y nói chung và công tác giám định pháp y các trường hợp trẻ em bị ngược đãi, trẻ em bị xâm hại tình dục được tiến hành bởi các tổ chức giám định pháp y trên cả nước gồm: Viện Pháp y quốc gia, Phân viện Pháp y quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học hình sự, Viện Pháp y Quân đội và 63 trung tâm pháp y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết luận giám định cung cấp những chứng cứ khoa học để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ việc đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Năm 2016, Luật Trẻ em được ban hành, trong đó dành riêng một chương quy định về Bảo vệ trẻ em với các điều khoản cụ thể về hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp).
Tiếp đó, Nghị định số 56/2017 của Chính phủ đã cụ thể hóa Quy trình hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ và bị xâm hại, bóc lột, trong đó quy định UBND cấp xã chịu trách nhiệm thực hiện và điều phối các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ; cán bộ ngành Y tế có vai trò quan trọng trong các bước thực hiện Quy trình hỗ trợ, can thiệp bao gồm phát hiện trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành, đánh giá trường hợp, cung cấp dịch vụ, chuyển gửi và tham gia giám sát, đánh giá.
Được sự hỗ trợ từ tổ chức UNICEF, từ Ban Quản lý dự án Bảo vệ Quyền trẻ em, cuối năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5609/QĐ-BYT về việc ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập.
Trên cơ sở Quyết định này, năm 2022, trong quá trình xây dự Thông tư thay thế Thông tư số 47/2013 của Bộ Y tế về ban hành Quy trình giám định pháp y, Ban soạn thảo đã hoàn thiện 2 quy trình ban hành tại Quyết định này và đưa vào ban hành tại Thông tư số 13 của Bộ Y tế về ban hành Quy trình, biểu mẫu giám định pháp y, thời hạn, nhân lực thực hiện giám định pháp y thay thế Thông tư số 47/2013.
Thông tư số 13/2022 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1/3/2023, gồm 9 điều với 37 quy trình và 54 biểu mẫu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám định pháp y.
Bình Minh