Sự cần thiết của công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật
Cuộc sống luôn vận động, phát triển kéo theo đó là hàng loạt những chính sách cũng được ra đời nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chính sách ra đời vấp phải phản ứng từ phía dư luận.
Điển hình có thể kể đến là đề xuất cấm "phân lô, bán nền” trong dự thảo sửa đổi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được đưa ra hồi năm 2020 đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối; hay như đề xuất của Bộ Công an chuyển việc tổ chức thi sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải về Bộ Công an cũng không nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp, chuyên gia và dư luận nói chung.
Ngoài ra, cũng có thể kể đến danh sách dài các đề xuất khác gặp phản ứng trái chiều như cấm bán bia, rượu sau 22 giờ đêm của Bộ Y tế; xe ô tô phải có bình cứu hỏa của Bộ Công an; tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Câu hỏi được đặt ra ở đây là phải chăng chúng ta chưa ý thức được sự cần thiết của công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật?
Chia sẻ về vấn đề này, tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại do Bộ TT&TT tổ chức vào ngày 8/12, TS Lê Quốc Vệ, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, từ góc độ người dân, truyền thông chính sách, pháp luật ngay từ khâu dự thảo văn bản được coi là phương thức cơ bản để người dân được “hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
Thông qua truyền thông, dự thảo chính sách, nhiều phản ánh, ý kiến của người dân được ghi nhận kịp thời để hoàn thiện dự thảo, qua đó đáp ứng được nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Chính vì vậy, việc truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật không những nhằm đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về phát huy rộng rãi dân chủ xã hội, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2015”, TS Lê Quốc Vệ nêu.
Tuy nhiên, ông Vệ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng từ câu chuyện thực tiễn trong thời gian qua cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan thông tấn báo chí với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan quản lý nhà nước khác còn chưa chặt chẽ.
Theo ông Vệ thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, cơ quan soạn thảo e ngại khi tung vấn đề ra, sợ không kiểm soát được dư luận trong lúc ý tưởng chưa được chín muồi. “Cho nên từ lãnh đạo đến công chức chủ trì soạn thảo không ai muốn đưa vấn đề ra”, ông Vệ nhận định.
Trong khi đó, nguyên nhân thứ hai từ phía cơ quan thông tấn báo chí, trong chừng mực nào đó cũng bị động, cũng lúng túng trong câu chuyện tìm kiếm nguồn thông tin để thực hiện những hoạt động tuyên truyền.
Giải pháp được ông Vệ đưa ra là cần phải thực hiện truyền thông ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đó là khi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quyết định việc đăng tải dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật lên cổng thông tin điện tử của cơ quan đó và lấy ý kiến bằng văn bản tới cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Đây là thời điểm thích hợp nhất để truyền thông chính sách vì để được chính thức đăng tải lên cổng thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi tới các đối tượng chịu sự tác động thì các chính sách này đã được cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo, tổng kết trên cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, đó là những vướng mắc, những tồn tại và hạn chế trong quá trình thực hiện hoặc những vấn đề phát sinh trong thực tế cần phải điều chỉnh, thay đổi và bổ sung và được tổng hợp ý kiến góp ý từ nhiều cuộc họp, hội thảo, của các chuyên gia thì mới đủ chín muồi để lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.
Ngoài ra, đối với các cơ quan báo chí, ông Vệ cũng kiến nghị Bộ TT&TT hằng năm cần tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cần thiết cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên của tất cả các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến kỹ năng, trách nhiệm trong việc truyền thông chính sách pháp luật.
“Bộ Tư pháp có trách nhiệm bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật để phối hợp, hỗ trợ đội ngũ phóng viên, biên tập viên triển khai tuyên truyền chính sách, đồng thời các cơ quan chủ trì soạn thảo cần chủ động cung cấp thông tin”, ông Vệ bày tỏ.
N. Huyền