Quyết liệt chống khai thác IUU, phát triển nghề cá bền vững ở Quảng Ngãi
Xã Bình Châu, huyện Bình Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có số lượng lớn tàu cá, lao động hành nghề nghề lặn bắt hải sâm, đồi mồi… ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam). 5 năm trước, ở xã có nhiều tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài và đa phần tàu vi phạm hành nghề lặn.
Trước tình trạng này, năm 2017, Bộ NN&PTNT đã về xã Bình Châu làm việc với chính quyền và ngư dân nhằm tìm ra giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU). Từ đây, rất nhiều giải pháp được triển khai, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác hải sản của ngư dân dần có những chuyển biến tích cực, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bắt đầu giảm.
Trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu vui mừng chia sẻ, 5 năm trở lại đây tình trạng đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài đã giảm hẳn và hầu như chấm dứt.
“Nhờ tuyên truyền, vận động và có cơ chế xử phạt hành vi vi phạm mà từ năm 2017 đến nay, tình trạng khai thác IUU đã giảm. Hàng trăm chủ tàu cá xã Bình Châu đã ký cam kết chấm dứt tình trạng vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài. Cũng không ít tàu cá đã chuyển từ nghề lặn sang các hình thức khai thác thân thiện với môi trường hơn. Nói chung, giờ nhận thức của bà con ngư dân đã rất tốt rồi…”, ông Hùng phấn khởi nói.
Ngư dân P.T. (xã Bình Châu) cho hay, năm 2016, tàu của ông từng bị cơ quan chức năng của Australia bắt và giam 45 ngày vì xâm phạm lãnh hải. “Sau khi được thả về, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ vi phạm nữa. Bây giờ tôi bỏ nghề lặn, chuyển sang hành nghề lưới màng. Hiệu quả kinh tế tuy có giảm hơn nhưng được cái an toàn, ổn định”, ngư dân T. bộc bạch.
Trong khi đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với các tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). VMS là thiết bị cung cấp thông tin về vị trí, vết đi và một số hoạt động của tàu thuyền cho nhà quản lý, cung cấp dịch vụ thông tin giữa trạm quản lý và tàu thuyền hoạt động trong vùng kiểm soát của hệ thống.
Điều đó góp phần vào việc quản lý hoạt động nghề cá bằng công nghệ mới như: hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, ước tính trữ lượng nguồn lợi thủy sản dựa trên cơ sở dữ liệu VMS, có thể xác định được phạm vi ngư trường chính xác và đặc biệt là có thể xác định được hành vi khai thác thủy, hải sản trái phép của tàu cá.
Đồn Biên Phòng Sa Huỳnh (Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi) cho hay, đối với các phương tiện đơn vị đang quản lý nếu ngắt thiết bị VMS, có dấu hiệu vượt ranh giới để khai thác hải sản thì đơn vị sẽ lập danh sách, mời chủ các phương tiện lên để tuyên truyền và viết cam đoan, cam kết, đồng thời, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Đơn cử như tàu của ngư dân Tr.V. (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có chiều dài trên 15m, hành nghề ở vùng biển khơi nhưng lại không duy trì thiết bị VMS hoạt động. Ngay sau khi ông V. đưa tàu về bến, Đồn biên phòng Sa Huỳnh đã tiến kiểm tra, lập biên bản vi phạm và xử phạt 25 triệu đồng, tước bằng thuyền trưởng trong 4 tháng.
Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài tuyên truyền cho ngư dân không xâm phạm lãnh hải các nước, đơn vị cũng tập trung rà soát, củng cố hồ sơ kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
“Việc thực thi các giải pháp chống khai thác IUU hướng đến mục tiêu cuối cùng là giúp ngư dân khai thác hải sản có trách nhiệm nhằm ổn định sinh kế với nghề cá. Lực lượng chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm thực hiện các hoạt động khai thác hải sản. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xử phạt nghiêm”, ông Phương nói.
Hồ Ca