Phụ huynh đến tận nhà tát bạn của con: Mẹ dạy gì con từ hành vi côn đồ?
Hai học sinh lớp 3 ở Nghệ An trêu đùa nhau sau đó một phụ huynh bị tố là đến nhà tát vào mặt cháu bé đã cắn con mình.
Cụ thể, chị Nguyễn Thị Kim (xóm Liên Hồng, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) cho biết trưa ngày 13/5, con trai chị là cháu T.H.Đ (lớp 3B, Trường tiểu học Làng Sen) bị chị Kiều, là phụ huynh học sinh tên Tr. đến tận nhà tát vào mặt và có những lời nói hăm dọa. Nguyên nhân là do cháu Đ. cắn cháu Tr. "hằn 4 vết răng" vào giờ học buổi sáng cùng ngày.
“Chị Kiều chở 2 đứa con và cháu trên xe, đi vào nhà tát cháu Đ. một cái bên trái vùng mặt và cổ. Tát xong, Kiều còn chửi xúc phạm con, nói những lời tục tĩu và còn doạ dẫm…”, chị Kim bức xúc.
Hình ảnh chị Kim cung cấp cho thấy phần cổ và má trái của cháu Đ. hằn đỏ vệt ngón tay. Bản thân cháu Đ. cũng bị bạn Tr. cắn vào tay và vai.
Về nội dung này, trường Tiểu học Làng Sen cũng đã có thông tin ban đầu. Vào sáng 13/5, hai học sinh Đ. và Tr. trêu đùa dẫn tới cắn nhau. Sự việc được giáo viên chủ nhiệm phát hiện và đã nhắc nhở hai em. Sau khi được phân tích, em Đ. và em Tr. đều nhận ra cái sai của mình và xin lỗi bạn.
Tuy nhiên, sau đó, phụ huynh em Tr. đến nhà em Đ. và xảy ra sự việc đáng tiếc như trên. Ngay trong chiều 13/5, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã mời phụ huynh của hai cháu lên phân tích, hòa giải.
![]() |
Trường Tiểu học Làng Sen |
Sự việc ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều người phẫn nộ trước hành vi bạo lực của nữ phụ huynh trên, nhiều người cho rằng lí do là gì thì việc xông đến đánh trẻ con cũng là hành vi không thể chấp nhận được. Nếu là mâu thuẫn của các cháu thì để các cháu giải quyết chứ sao phụ huynh lại dùng bạo lực?
Liên quan đến sự việc này, cô Nguyễn Phương Anh – chuyên gia tâm lý ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết để xảy ra sự việc phụ huynh đến tận nhà bạn của con để đánh thì nhà trường vẫn phải có trách nhiệm.
Khi học sinh mâu thuẫn trên lớp thì việc đầu tiên là giáo viên phải đứng ra giải thích cho các con hiểu mình đã sai ở đâu, nhìn ra cái sai của mình và không lặp lại sai lầm.
“Ngoài ra, sau sự việc giáo viên với các nghiệp vụ sư phạm của mình phải trực tiếp trao đổi lại với phụ huynh học sinh để các bậc cha mẹ hiểu được sự việc. Tâm lý chung của các bố mẹ là con mình đau thì ai cũng xót xa.
Trao đổi với phụ huynh vừa là để các bố mẹ thoải mái tâm lý vừa là để cùng kết hợp với nhà trường trong việc giáo dục các em.
Tôi phản đối việc phụ huynh dùng nắm đấm, bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cho con mình. Hơn nữa còn là đèo con đến tận nhà bạn để tát bạn. Tôi đang không hiểu phụ huynh này định giáo dục điều gì cho con sau cái tát và lời lẽ thô tục với bạn của con.
Chẳng lẽ lại là dạy con nếu thấy bức xúc thì không cần biết phải trái thế nào cứ lao vào dùng nắm đấm, dùng bạo lực để xử lý đối phương ư?” chuyên gia Nguyễn Phương Anh nói.
Chuyên gia Nguyễn Phương Anh cho rằng việc phụ huynh lao đến giải quyết xung đột thay cho con là việc làm phản giáo dục, để lại ấn tượng tiêu cực trong suy nghĩ non nớt của những đứa trẻ. Việc này ít nhiều tác động tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của các con sau này.
Được biết ngay từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trong trường học để cả giáo viên, phụ huynh và học sinh điều chỉnh cách ứng xử trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.
Bộ quy tắc này cũng là đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Ứng xử với người học: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương. Không xúc phạm, bạo lực.
Ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ. Không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.
Hoàng Thanh