Phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tái phát mùa lạnh
Ghi nhận tại một số bệnh viện tại Hà Nội những ngày gần đây, số bệnh nhân mắc COPD đến khám và điều trị gia tăng đáng kể. Các bệnh nhân đa phần trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc nghề nghiệp có tiếp xúc với khói, bụi ô nhiễm…bệnh nhân thường đến khám vì ho, khạc đờm, khó thở…
Theo các chuyên gia y tế, vào mùa đông, nhiệt độ môi trường xuống thấp, không khí khô hanh cộng với bụi bẩn nhiều nên dễ gây viêm đường hô hấp, trong đó có bệnh COPD. Người bệnh rất dễ nhiễm các loại virus và vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên và dưới, làm tăng tình trạng co thắt phế quản, tăng dịch nhầy trong đường hô hấp do đó bệnh nhân bị khó thở nặng hơn.
Bệnh COPD có xu hướng gia tăng do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm môi trường gia tăng, các thói quen chưa phù hợp với sức khỏe. Bệnh có thể phòng tránh và điều trị được nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Ngăn chặn các đợt cấp của COPD rất quan trọng vì những bệnh nhân thường xuyên bị tái phát có khả năng bị suy giảm chức năng phổi với tốc độ nhanh hơn, chất lượng cuộc sống kém hơn và có nguy cơ tử vong sớm hơn.
Để chủ động phòng chống bệnh COPD trong mùa lạnh, các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh có thể dự phòng được bằng cách: Không hút thuốc lá, tránh khói bụi, môi trường ô nhiễm; giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh; rèn luyện sức khỏe, tập các bài thể dục phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp; trường hợp có dấu hiệu của bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Người bệnh COPD cần thăm khám định kì, sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh COPD nên duy trì luyện tập thể dục ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh.
Ngọc Yến