Năm 2023, đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan lên mức 25 tỷ USD
Thái Lan – đối tác quan trọng của Việt Nam trong ASEAN
Bà Nguyễn Vân Nga, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) cho hay: Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ và có sự phối hợp tích cực trong thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn đạt gần 19 tỷ USD, là mức kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan cao nhất từ trước tới nay.
Đáng chú ý, tại Tuần lễ sản phẩm Thái Lan 2022 tại TP.HCM được tổ chức mới đây, hai bên đã nhất trí sớm đưa kim ngạch thương mại 2 nước lên 25 tỉ USD ngay trong năm 2023. Thực tế, với vị trí địa lý gần gũi, giao thông thuận tiện, tận dụng các tuyến đường kết nối như Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam... thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực logistics, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản hàng hóa nên quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam-Thái Lan phát triển tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu.
Về tỉ trọng, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Thái Lan luôn giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) hồi tháng 11/2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao sẽ tạo đà để quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và kim ngạch thương mại tăng trưởng mạnh mẽ.
Quy mô thương mại không ngừng được mở rộng
Nhận định về kết quả hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan có mức tăng trưởng tốt. Quy mô thương mại giữa hai nước không ngừng được mở rộng, tăng gần gấp đôi từ mức 9,4 tỷ USD năm 2016 lên 17,9 tỷ USD năm 2021; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt xấp xỉ 10%/năm.
Đặc biệt, tiếp tục đà tăng trưởng, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mạiViệt Nam-Thái Lanđạt 17,8 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng này, dự báo kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt được mục tiêu 25 tỷ USD trong thời gian tới. Được biết, các hoạt động nổi bật xúc tiến thương mại giữa 2 nước đang phát húy tác dụng. Ví dụ, Tuần hàng Việt Nam tại Thái lan (được triển khai từ năm 2016), Tuần lễ Thái Lan tại Việt Nam, các Hội chợ thương mại, ẩm thực Thái Lan tại các tỉnh thành của Việt Nam... Các hoạt động xúc tiến thương mạiquốc gia của Việt Nam tại Thái Lan cũng được triển khai, hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham gia.
Theo các chuyên gia thương mại, nhóm hàng chế biến, chế tạo là nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt giá trị cao nhất, chiếm tỷ trọng trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhóm này gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; kim loại thường khác và sản phẩm; hàng dệt may... là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhóm hàng này. Ngoài ra, vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép cũng là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng nông thủy sản hai nướccó cơ cấu khá tương đồng như cà phê, hạt điều, một số loại rau quả công nghệ cao, rau hữu cơ, thủy sản nên hàng hóa xuất khẩu của hai nước cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau. Cụ thể, Thái Lan hiện mới chỉ cho phép nhập khẩu 5 loại trái cây tươi của Việt Nam (thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, vải, nhãn, xoài), quy trình thủ tục để mở cửa cho một loại trái cây mất nhiều thời gian. Do đó, nông sản nói chung và trái cây tươi của Việt Nam, mặc dù có chất lượng tốt nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan còn hạn chế.
Chính vì vậy, để hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương 25 tỷ USD, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường Thái Lan, nhất là nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, các hành vi, sở thích tiêu dùng của người dân Thái Lan, xu hướng tiêu dùng, các đối thủ cạnh tranh, hệ thống bán lẻ, phân phối… Bên cạnh đó, chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng Thái Lan. Có như vậy, mối quan hệ hợp tác thương mại mới có sự cân bằng theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi và trở thành những đầu tàu kinh tế dẫn dắt khối ASEAN.
Nam Phương