Nữ sinh cấp 2 đánh nhau, quay clip ở Lạng Sơn: Phải ngăn bạo lực sớm nhất có thể!
Giữa 2 học sinh lớp 7 và lớp 9 trường THCS xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn xảy ra mâu thuẫn tình cảm cá nhân dẫn đến việc đánh nhau vào ngày 9/9.
Liên quan đến clip 2 học sinh đánh nhau tại khu công nghiệp Nà Tâm, xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn đăng tải trên mạng xã hội, ngày 10/9, UBND TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Phòng Giáo dục đào tạo TP. Lạng Sơn phối hợp với lực lượng công an xã Hoàng Đồng xác minh để làm rõ vụ việc.
Theo tìm hiểu ban đầu, giữa 2 em học sinh lớp 7 và lớp 9 trường THCS xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn xảy ra mâu thuẫn tình cảm cá nhân dẫn đến việc đánh nhau vào ngày 9/9.
Tại hiện trường thời điểm xảy ra vụ việc có 10 học sinh có mặt, trong đó 4 em học sinh tham gia trực tiếp, 2 em học sinh lớp 7 đánh 2 học sinh đang học lớp 9 cùng trường, số còn lại đứng xem và quay clip.
Trong clip, hai em học sinh đã túm tóc tát, đá liên tiếp vào mặt bạn, dúi đầu bạn xuống nền nhà cùng với đó có nhiều lời lẽ bậy bạ xúc phạm bạn. Sau khi clip đăng tải lên mạng xã hội, đã có hàng trăm lượt bình luận của cộng đồng mạng lên án, bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi bạo lực học đường của nhóm học sinh trong đoạn clip trên.
Hai nữ sinh Lạng Sơn đánh nhau (ảnh cắt từ clip) |
Liên quan đến vụ việc Phòng GD&ĐT TP. Lạng Sơn cho biết đang phối hợp với lực lượng công an địa phương xác minh, điều tra vụ việc để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Clip nữ sinh đánh nhau dã man khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về những hành vi bạo lực học đường như vậy đến bao giờ mới thực sự chấm dứt?
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong giai đoạn độ tuổi mới lớn như các em học sinh trong clip, nhu cầu tự khẳng định bản thân rất cao. Khi ấy nhu cầu cần được tôn trọng, cái tôi cá nhân của các bạn trẻ được thể hiện rất rõ nét. Đôi khi chỉ vì những mâu thuẫn vụn vặt mà động chạm tới những nhu cầu đó thì rất có thể các bạn sẽ “xù lông nhím”, từ đó dẫn đến những hành vi bạo lực.
Nhất là khi ở độ tuổi cấp THCS, THPT các học sinh thường chơi theo nhóm, chơi theo hội. Đôi khi, từ những chuyện nhỏ nhặt, những người trong nhóm có một vài người xấu xúi giục, đả kích và gây nên hành vi bạo lực.
Kiểu bạo lực nào cũng để lại những di chứng nặng nề. Các nhà tâm lý học đã có kết luận rằng bạo lực học đường không trực tiếp dẫn đến nạn tự tử, buông xuôi nhưng cưỡng bức tâm lý dẫn đến trầm cảm và từ đây khó lường được hành vi của trẻ. Đối với đối tượng gây ra bạo lực cũng bị tác hại rất lớn, bởi thói quen này dễ hình thành tính cách khi trưởng thành.
Không còn cách nào khác, ngăn chặn bạo lực học đường là việc tất yếu phải làm vì bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân của nó ở mọi lứa tuổi, mọi cấp học.
Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, hiện nay các nhà trường đang coi nhẹ vấn đề giáo dục đạo đức, đưa bộ quy tắc ứng xử học đường đến với học sinh và cụ thể hóa nó bằng những hành động.
Đã đến lúc thay vì dạy học sinh những bài học đạo đức xa vời, các nhà trường cần giáo dục cho các em về lòng nhân ái, bao dung, độ lượng hay giáo dục về các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội, về văn hóa học đường.
Hiện nay, bạo lực học đường ngày càng bộc lộ tính nguy hiểm và phức tạp, trở thành vấn đề xã hội bức xúc của nhiều nước. Bạo lực học đường diễn ra không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở học sinh nam mà còn ở học sinh nữ. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, xây dựng văn hóa học đường cần được xem là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, chấm dứt và hướng tới xóa bỏ bạo lực học đường.
Điều quan trọng hơn cả là việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với việc tăng thời lượng dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác được xây dựng chú ý đến thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì văn hóa ứng xử trong trường đóng vai trò làm cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.
Hoàng Thanh