Người già dễ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm
Theo nhận định của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong mười quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Già hóa dân số là hiện tượng mang tính toàn cầu, theo số liệu điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021, Việt Nam có 12,58 triệu người cao tuổi, chiếm 12,8% tổng dân số.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh qua các năm và số người mắc bệnh trong cộng đồng hiện rất lớn, đặc biệt là ở người già. Đáng nói, mô hình bệnh tật ở nước ta nói chung và ở người cao tuổi nói riêng đang thay đổi nhanh chóng, chuyển từ mô hình chủ yếu là bệnh lây nhiễm sang những bệnh không lây nhiễm. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hoà nhập cộng đồng của người cao tuổi.
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những người cao tuổi sống ở cộng đồng trung bình mắc 3 bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, sa sút trí tuệ, đột quỵ…. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Các chuyên gia y tế cho rằng, do người già mắc nhiều bệnh nên các triệu chứng thường không điển hình, chẩn đoán phức tạp, phải dùng nhiều loại thuốc dẫn đến nguy cơ tai biến. Chính vì vậy mà cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị cho những bệnh nhân này có điều kiện khác so với các bệnh nhân trẻ. Người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 80 tuổi thường mắc nhiều hội chứng đặc trưng của lứa tuổi này như hội chứng dễ bị tổn thương, hội chứng lú lẫn, suy giảm nhận thức, suy dinh dưỡng, trầm cảm…
Theo GS.TS Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, bệnh lý người cao tuổi có những đặc điểm riêng không giống với các lứa tuổi khác: Khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính và thoái hóa, trong đó phải kể đến bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, COPD, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Đa số các bệnh này ít nhiều có liên quan đến lối sống và nói chung phải điều trị suốt đời. “Tuổi cao và các bệnh mạn tính là nguyên nhân chính dẫn đến giảm hoạt động chức năng hàng ngày ở người già như: giảm khả năng tự đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống, khả năng giao tiếp, quản lý tài sản, tiền bạc của người già...”, GS.TS Phạm Thắng nói.
Trong khi đó, hệ thống y tế lão khoa chưa đầy đủ và trang bị chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh mãn tính - bệnh đặc trưng của người cao tuổi. Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Hiện tại, người cao tuổi nghèo và người cao tuổi sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa ít có khả năng tiếp cận được tới dịch vụ chăm sóc cần thiết.
Để khắc phục vấn đề này, mới đây Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được phê duyệt. Chương trình đặt mục tiêu 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025, 85% năm 2030.
Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.
100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% năm 2025, 100% năm 2030...
Ngọc Yến