Ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, giá cả nguyên vật liệu tăng, lực lượng lao động không đủ và đơn hàng cũng giảm mạnh nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, thời gian gần đây chi phí tăng, lãi suất tăng, cộng thêm nguồn vốn từ các kênh bao gồm cả ngân hàng bị siết lại nên các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, trước đây lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng chỉ dao động 6,5%-7%/năm nhưng nay đã tăng lên 8,5%-9%/năm, thậm chí cao hơn nhiều, trên 10%/năm.
Lãi suất tăng cao nhưng hạn mức cho vay thấp hơn, việc giải ngân cũng chật vật khiến doanh nghiệp gần như cạn vốn, chật vật duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vietcombank cho biết, trong năm 2020 và 2021, để hỗ trợ và chia sẻ cùng khách hàng trước những khó khăn của dịch Covid-19, ngân hàng đã đi đầu trong việc thực hiện các chính sách giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ dành cho khách hàng tổ chức và khách hàng cá nhân.
Năm 2022, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế, Vietcombank tiếp tục triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Theo đó, Vietcombank quyết định giảm lãi suất 1,0%/năm đối với các khoản vay VNĐ cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ 01/11/2022 đến hết 31/12/2022.
Tuy nhiên, Vietcombank cũng cho biết, việc giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá….
Trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, mới đây, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các thách thức lớn của doanh nghiệp và đề xuất một số giải pháp.
Theo Ban IV, hiện nhiều công ty phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30%-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo. Đặc biệt, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới.
Từ thực tế trên, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như chính sách giảm 2% thuế VAT; chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định 96/2019 của Chính phủ; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Trước đó, ngày 17/11, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có văn bản gửi tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục cho vay, xem xét giảm lãi suất đối với doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.
Trong bối cảnh lãi suất điều hành tăng, các ngân hàng cần khai thác sử dụng vốn có hiệu quả để tạo điều kiện ổn định lãi suất cho vay và xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp để giữ ổn định giá thành, giá bán, góp phần ổn định thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu cuối năm.
Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch dịp cuối năm, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh, dự tính dòng tiền trong năm 2023 để tạo tiền đề phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Các ngân hàng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng, đồng thời kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng và tăng trưởng an toàn.
Nguyễn Hải