Lãi suất tăng mạnh, người vay mua nhà, mua ô tô than mắc kẹt
Sau hai lần liên tiếp Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng tăng theo. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động kỳ hạn 15 tháng đã lên mức 9,3%/năm, cũng là mức cao nhất trên thị trường hiện nay.
Lãi suất kỳ hạn 12 và 13 tháng tại SCB cũng đang dẫn đầu thị trường, lần lượt là 9,15% và 9,3%/năm.
Nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường về lãi suất tiền gửi còn có VietCapital Bank với kỳ hạn 12 tháng là 8,2%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng là 8,9%/năm.
Không chỉ các ngân hàng quy mô nhỏ, nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn như Techcombank, VPBank cũng liên tục tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,5%-1% trong kỳ điều chỉnh gần nhất. Ngoại trừ Vietcombank đang niêm yết mức lãi suất huy động thấp nhất, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm BIDV, VietinBank và Agribank cũng không đứng ngoài cuộc đua lãi suất huy động.
Cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng đã làm ảnh hưởng đến những khách hàng đã vay tiền mua nhà, ô tô, vay tiêu dùng. Chị Hoàng Thu Ban (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị vay ngân hàng 600 triệu để mua nhà với lãi suất ưu đãi 3 tháng đầu là 9%/năm. Tuy nhiên, sau 3 tháng ngân hàng sẽ tính lãi suất trên cơ sở lãi suất huy động cá nhân kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 3%.
Nếu ngân hàng giữ nguyên lãi suất huy động như hiện nay, kỳ điều chỉnh tiếp theo khoản vay của chị Ban sẽ phải chịu lãi suất không dưới 12%/năm.
“Tính ra mỗi tháng tôi phải trả lãi 4,5 triệu đồng, cộng thêm tiền gốc là khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng trong kỳ điều chỉnh tiếp theo tôi sẽ phải trả gần 12 triệu đồng/tháng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu chung trong gia đình, cũng như làm sai lệch mọi tính toán trước đây của chúng tôi”, chị Hoàng Thu Ban nói.
Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều áp dụng chu kỳ điều chỉnh lãi suất theo công thức “3-6-9”, có nghĩa sẽ điều chỉnh theo lãi suất thị trường sau mỗi kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc 9 tháng tuỳ theo nội dung hợp đồng ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.
Với xu hướng tăng lãi suất như hiện nay, không chỉ khách vay mua nhà, khách vay mua ô tô cũng đang ngồi trên đống lửa.
Anh Nguyễn Vinh Quang, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết: “Với mức thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng hiện nay khoảng 28 triệu đồng, mỗi tháng tôi phải trả ngân hàng 9,5 triệu đồng vay mua ô tô. Nhưng nay ngân hàng thông báo tăng lãi suất khoản vay, số tiền tôi phải trả hàng tháng cả gốc và lãi đã vượt 10 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng thu nhập của gia đình đã phải dành ra hơn 1/3 cho việc trả nợ rồi”.
Lãi suất tăng đương nhiên các khách hàng đang có nhu cầu vay mua nhà, mua xe sẽ phải suy nghĩ lại. Tuy nhiên, ngay cả khi khách hàng muốn vay để mua cũng không dễ do hạn mức tín dụng từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay, đặc biệt là khoản vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe.... Đồng thời ngân hàng cũng phải chọn lọc khách hàng kỹ hơn đối với khoản vay mới.
Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng đang tập trung thu hồi số vốn đã cho vay để giảm dư nợ và tạo dư địa cho vay mới. Thế nhưng, do nhu cầu vay vốn cuối năm tăng cao nên không ít ngân hàng hạn chế đầu ra bằng cách tăng lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực, trong đó có cho vay tiêu dùng.
Nhân viên kinh doanh tại một đại lý bán xe ô tô Peugeot tại Hà Nội cho biết, nhiều khách hàng tìm hiểu mua xe đồng thời nhờ đại lý liên hệ vay vốn ngân hàng, thế nhưng hầu hết các ngân hàng đều từ chối cho vay ra.
“Thực tế vẫn có ngân hàng giải ngân cho vay mua xe, nhưng còn tuỳ thuộc vào từng chi nhánh, cũng như tuỳ thuộc vào mối quan hệ của đại lý bán xe với chi nhánh đó. Quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ vì thế cũng sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều”, nhân viên đại lý ô tô Peugeot tại Hà Nội cho hay.
Ngân Giang