Lộ trình an ninh lương thực bền vững và sáng kiến của Việt Nam
Sáng 19/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh tham dự hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng APEC về an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Hội nghị trực tuyến do Bộ Nông nghiệp Niu Di-lân chủ trì với sự góp mặt và tham gia ý kiến thảo luận của 21 quốc gia thành viên.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2020 trên thế giới có gần 2,37 tỷ người rơi vào cảnh thiếu lương thực, tăng 320 triệu người chỉ trong vòng một năm. Trong khi đó, Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực (GNAFC) cho biết số người bị mất an ninh lương thực (ANLT) và cần hỗ trợ khẩn cấp cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua.
Hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng APEC về an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Ảnh: Mard) |
Trong bối cảnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị APEC đã nhất trí thông qua Lộ trình an ninh lương thực APEC hướng tới năm 2030. Lộ trình đặt ra các mục tiêu và chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo người dân khu vực luôn được tiếp cận thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn và giá cả phải chăng để có một cuộc sống năng động và khỏe mạnh. Theo đó, các thành viên APEC cam kết áp dụng công nghệ mới, trong đó có chuyển đổi số, để góp phần đảm bảo ANLT bền vững và tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các thách thức về môi trường.
Cùng chia sẻ những mối quan tâm về ANLT với các thành viên khác trong APEC, đại diện Việt Nam tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh bày tỏ tin tưởng Lộ trình an ninh lương thực APEC 2030 sẽ tạo ra khung hợp tác hiệu quả giữa các thành viên APEC trong thời gian tới nhằm phát triển bền vững hệ thống lương thực khu vực, góp phần bảo đảm ANLT thực toàn cầu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ sáng kiến trọng tâm mà Việt Nam mong muốn trong việc hợp tác cùng các đối tác quốc tế.
Cụ thể, sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa là động lực mạnh mẽ để chúng ta kết nối toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian dựa trên nền tảng số như thương mại điện tử, số hóa và cải tiến hệ thống truy xuất nguồn gốc, dịch vụ hậu cần, vận tải, kiểm soát chất lượng an toàn dịch bệnh. Các công cụ quản lý số mới sẽ tạo ra cơ hội rút ngắn thời gian thanh kiểm tra và thanh toán hàng hóa, giảm thất thoát lương thực trong quá trình vận chuyển.
Thứ hai, sự bất ổn định của các yếu tố đầu vào của sản xuất bao gồm cả lao động cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ đặt ra cho chúng ta nhu cầu cấp bách trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về sản xuất hàng hóa, lương thực thực phẩm ở cấp độ nền kinh tế khu vực. Các dữ liệu đó cần được thống kê đa chỉ số, bao gồm cả sự di chuyển nguồn vốn, công nghệ và lao động để phục vụ công tác thống kê dự báo xu hướng sản xuất, xu hướng thương mại trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai hoặc các xu thế mới trong tiêu dùng lương thực.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số công nghệ 4.0 ngay từ cấp hộ nông dân, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Việt Nam đang đưa kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp với các mục tiêu cụ thể, bao gồm: thiết lập cơ sở dữ liệu lớn đến năm 2025 có khoảng 75-80% doanh nghiệp tham gia vào ứng dụng kỹ thuật số và khoa học tiên tiến trong nông nghiệp, thương mại và cung ứng dịch vụ trong nông nghiệp, xây dựng trung tâm sáng tạo hệ thống lương thực thực phẩm. Việt Nam rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm của các nền kinh tế trong khối và các cơ chế hợp tác quốc tế khác để đạt được các mục tiêu trên.
Chính phủ Việt Nam nỗ lực cao nhất thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế, xã hội. Vai trò của ngành nông nghiệp trở nên đặc biệt quan trọng trong điều kiện bình thường mới cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Do vậy, Bộ NN-PTNT Việt Nam ủng hộ và cam kết hợp tác đầy đủ trong các nội dung đã được nêu trong lộ trình ANLT APEC 2030. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tin tưởng rằng văn kiện này sẽ tạo ra khung hợp tác hiệu quả giữa các thành viên APEC trong thời gian tới nhằm phát triển bền vững hệ thống lương thực khu vực, góp phần bảo đảm ANLT toàn cầu.
Thảo Nguyên