Lo ngại dịch sốt xuất huyết quay lại theo chu kỳ
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trong tuần qua số ca bệnh sốt xuất huyết ở thành phố vẫn gia tăng nhưng không ghi nhận ca tử vong.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành phố ghi nhận 10.052 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021 là 6.867 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 194 ca, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).
Trong tuần 21 (từ ngày 20/05/2022 đến 26/05/2022), Thành phố ghi nhận 1.402 ca bệnh SXH, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước.
Số ca SXH tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Như vậy số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay vẫn là 07 trường hợp.
Số ca bệnh SXH tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP. Thủ Đức (20/22 QH) trừ Quận 12, Phú Nhuận. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 7 (Quận 8); xã Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc A (Bình Chánh); phường Bình Hưng Hòa A (Bình Tân); xã Tân An Hội (Củ Chi); phường Tây Thạnh (Tân Phú).
Ths.BS Nguyễn Đình Qui (Phó trưởng khoa Nhiễm - bệnh viện Nhi Đồng 2, cho rằng các chuyên gia dịch tễ thường bảo rằng, cứ 4 – 5 năm thì bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) lại gây ra trận dịch lớn.
Năm 2019, trận đại dịch SXH với số mắc hơn 300.000 ca (riêng Tp.HCM khoảng 65.000 ca) gây nhiều khó khăn cho ngành y tế trong công tác phòng chống dịch, nếu theo đúng chu kỳ thì có thể năm 2022 này sẽ bắt đầu một trận dịch SXHD mới, khi dịch bệnh Covid-19 tạm thời trong tầm kiểm soát, khi thông thương các nơi đã được kết nối, khi mùa mưa tới, khi người dân dần quên đi các khẩu hiệu phòng ngừa thì tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh SXHD bùng phát đúng thời điểm này.
TP.HCM tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết. |
Trước tình hình đó, thạc sĩ Qui cho biết bên cạnh việc các chuyên gia đang cập nhật lại phác đồ điều trị thì vai trò tuyên truyền phòng ngừa từ phía các đơn vị y tế dự phòng ngay lúc này là cực kỳ quan trọng. Làm thế nào để không có muỗi, làm thế nào để muỗi không thể truyền bệnh?
Muốn đạt được điều đó, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi:
Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2 đến 3 ngày, bác sĩ Qui khuyến cáo phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chỉ định xét nghiệm chẩn đoán SXH.
Bệnh SXH vẫn có thể chăm sóc theo dõi tại nhà, tuy nhiên, phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo sau:Li bì hoặc vật vã kích thích; Chân tay lạnh và ẩm ướt; Đau bụng nhiều; Nôn ói liên tục; Xuất huyết niêm mạc nhiều; Nôn ra máu hoặc tiêu phân đen; Nước tiểu có máu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP.HCM đã triển khai chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” lần thứ 12 bắt đầu từ ngày 15/5/2022. Chiến dịch nhằm tăng cường sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết.
Các hoạt động được tổ chức ở địa phương nhằm giảm nguồn sinh sản của muỗi, chủ động giảm mật độ muỗi khi mùa mưa đến.
Tăng cường truyền thông giúp người dân nhận biết sớm các triệu chứng hoặc những dấu hiệu cảnh báo bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời, hạn chế các trường hợp tử vong.
Và quan trọng nhất là tạo phong trào sâu rộng đến từng người dân, mỗi gia đình trong việc chủ động tìm và xử lý các vật đọng nước- nơi sinh sản của muỗi vằn.
K.Chi