SHB và dấu ấn tiên phong thành công trong triển khai nhận sáp nhập
Làn sóng sáp nhập trong ngành ngân hàng
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố quyết định chuyển giao bắt buộc (CGBB) GPBank cho VPBank và HDBank nhận DongA Bank. Trước đó, NHNN cũng đã thực hiện chuyển giao bắt buộc OceanBank cho MB và CB cho Vietcombank.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, NHNN đã hoàn tất việc chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém, tất cả đều đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015. Trước đó, nhiều thương vụ nhận sáp nhập đã được thực hiện thành công làm tiền đề cho việc thúc đẩy chủ trương này của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém là một trong những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt.
Hơn 10 năm trước, SHB đã tiếp nhận Habubank trong một thương vụ mang tính đột phá. Cuộc nhận sáp nhập này là cơ hội, cũng là thách thức của SHB trong quá trình phát triển. Việc SHB nhận sáp nhập Habubank không chỉ thể hiện sự đồng hành, bám sát chặt chẽ và tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo, quyết sách của Đảng và Chính phủ, mà còn thể hiện bản lĩnh và chiến lược dài hạn nhằm tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ về quy mô và sức mạnh tài chính.
Tuy nhiên, SHB cũng phải tập trung nguồn lực và cả một quá trình để xử lý các vấn đề hậu nhận sáp nhập, đặc biệt là nợ xấu. SHB đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ như trích lập dự phòng, tái cấu trúc danh mục tín dụng và đẩy mạnh thu hồi nợ. Nổi bật là việc tái cơ cấu Thủy sản Bình An (Bianfishco).
Trong vòng ba năm sau khi nhận sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu của SHB đã giảm xuống dưới 3%, củng cố nền tảng tài chính. Đến năm 2021, SHB đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trước thời hạn, thể hiện sự thành công trong chiến lược quản trị rủi ro và tái cơ cấu.

Đến nay, thương vụ SHB nhận sáp nhập Habubank là thương vụ thành công điển hình, thương vụ đầu tiên giữa 2 ngân hàng trên thị trường, tạo ra tiền lệ quan trọng cho ngành ngân hàng Việt Nam trong các thương vụ M&A khác và giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo. Việc hấp thụ một ngân hàng có nhiều vấn đề tài chính và xử lý hiệu quả đã chứng minh năng lực quản trị vượt trội của SHB.
Đến cuối năm 2024, SHB ghi nhận quy mô tổng tài sản ở mức hơn 747 nghìn tỷ đồng, cung cấp dư nợ tín dụng gần 534 nghìn tỷ đồng ra nền kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng cấp dụng 18,2% trong năm qua. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt hơn 11.543 tỷ đồng, tăng 25%. SHB cũng là một trong 5 ngân hàng đóng góp ngân sách lớn nhất trong nhiều năm qua.
Tầm nhìn dài hạn chiến lược của SHB
Không chỉ thực hiện nhận sáp nhập HabuBank, năm 2015, SHB tiếp tục nhận chuyển giao Công ty tài chính tiêu dùng Vinaconex-Viettel, nay là SHBFinance. Quyết định này được đánh giá là táo bạo, một bước đi thể hiện tầm nhìn của Chủ tịch HĐQT SHB - ông Đỗ Quang Hiển, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng khi đó chưa thực sự phát triển mạnh mẽ.
SHBFinance sau khi về với SHB trở thành một trong những công ty được cấp vốn điều lệ cao nhất trên thị trường, với quy mô vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ngân hàng sở hữu 100% vốn. Qua thời gian phát triển, công ty ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, mạng lưới phủ rộng tại khắp các tỉnh thành. Đến năm 2021, khi lĩnh vực tài chính tiêu dùng bùng nổ, SHB đã tận dụng cơ hội và thực hiện thương vụ chuyển nhượng SHBFinance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan.

Tháng 5/2023, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn tại SHBFinance cho đối tác Krungsri. SHBFinance cũng được chuyển đổi từ Công ty Tài chính TNHH MTV thành Công ty Tài chính TNHH theo quyết định và giấy phép mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 50% vốn điều lệ của còn lại của SHBFinance sẽ được SHB tiếp tục chuyển nhượng cho Krungsri sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký.
Thương vụ nhận sáp nhập Habubank hay nhận chuyển giao SHBFinance là những dấu mốc đặc biệt trong hành trình phát triển mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược của SHB, xuyên suốt hơn ba thập kỷ phát triển.
Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, SHB định hướng tiếp tục tăng tốc, bứt phá với Chiến lược Chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện 2024 - 2028, tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường và vươn tầm khu vực, quốc tế.

Ngày 15/3/2025, siêu sự kiện - ngày hội văn hóa với chủ đề “Vững bước vào kỷ nguyên mới” sẽ được Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Tập đoàn T&T Group (T&T Group) đồng tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Sự kiện lấy cảm hứng từ lễ khai mạc thế vận hội Olympic với màn rước đuốc, truyền lửa và các hoạt động thể thao, triển lãm đặc sắc, chương trình âm nhạc đỉnh cao quy tụ 15.000 người là cán bộ nhân viên, người lao động của SHB và T&T Group. Với thông điệp “Nhất tâm - Trí sáng - Vươn tầm”, sự kiện không chỉ là cơ hội tăng cường giao lưu, lan tỏa văn hóa nội bộ mà còn tiếp thêm động lực, thổi lên ngọn lửa nhiệt huyết tới các cán bộ nhân viên; khẳng định vị thế, tầm vóc của hai tổ chức kinh tế và tâm thế sẵn sàng đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. |
Thúy Ngà