Tạo điều kiện để đưa kinh tế đêm ‘thăng hoa’
Thế giới giao “người cầm trịch”, nới cơ chế
Đầu năm 2025, Thị trưởng London quyết định thành lập một “lực lượng đặc nhiệm chuyên trách”, gồm 11 chuyên gia độc lập được thành lập để xem xét “những thách thức và cơ hội”, tìm cách cải thiện và thúc đẩy kinh tế đêm tại thủ đô nước Anh.

Dù là quốc gia tiên phong, với doanh thu từ kinh tế đêm giai đoạn đỉnh cao đạt khoảng 66 tỷ bảng mỗi năm, tương đương 6% GDP, Anh vẫn liên tục nghiên cứu chính sách cho ngành kinh tế này cất cánh. Cụ thể, mở tuyến tàu điện ngầm "Night Tube" tại London, đồng thời thử nghiệm "Khu doanh nghiệp ban đêm" tại Walthamstow, hỗ trợ các doanh nghiệp mở cửa muộn…
Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền "kinh tế ban đêm" phát triển. Chính phủ các nước phân quyền và khuyến khích chính quyền các thành phố thực hiện chương trình, dự án khai thác tiềm năng kinh tế đêm, gắn với đặc trưng và thế mạnh của riêng mình.

Giới phân tích nhận định, những con số ấn tượng nói trên không đến từ nỗ lực đơn lẻ mà là kết quả của chiến lược phát triển tổng thể mang tầm quốc gia.Thậm chí những khu dân cư yên bình có lịch sử hàng nghìn năm cũng có thể trở thành “thiên đường đêm” như câu chuyện thành công "Tám phường mười ba ngõ" tại Cam Túc, Trung Quốc. Nơi này đón hơn 12 triệu lượt khách và tạo việc làm, thu nhập tốt cho hơn 10.000 người dân địa phương.
Việt Nam: Không để lỡ nhịp
Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam năm 2020 đã thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt nhằm tạo dựng thêm không gian kinh tế cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, từ đó đến nay, nhiều địa phương đã nỗ lực phát triển các mô hình kinh tế đêm để thu hút khách đạt thành tựu bước đầu, nhưng chưa như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng.

Đây cũng là điểm yếu của du lịch Việt Nam, đặt trong bối cảnh phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa năm 2025. Với thế mạnh ẩm thực, văn hóa, Việt Nam cần chiến lược cụ thể cho kinh tế đêm để sớm đưa kinh tế đêm thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung vào địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, muốn khai thác kinh tế đêm cần đầu tư đồng bộ, từ hạ tầng đến sản phẩm dịch vụ, các điều kiện môi trường, an ninh trật tự. Mọi thứ đều phải đáp ứng, nhất là hạ tầng, giao thông để khách du lịch cũng như người dân địa phương có thể tiếp cận một cách thuận lợi, nhanh chóng.
“Chúng ta mới quan tâm đầu tư cái gọi là chợ đêm, mà không hiểu rằng khách hàng cần nơi giàu trải nghiệm để làm họ hứng thú mua sắm hơn là việc đi chợ đơn thuần. Thế nên, nếu chỉ đầu tư các dịch vụ đơn lẻ mà không nhìn nhận kinh tế đêm ở góc độ tổng thể thì sẽ không phát triển được”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Cũng theo ông Tuấn, dù đã có một số địa phương làm tốt, kết hợp doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ kinh tế đêm như tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An,… tuy nhiên, ở góc độ quốc gia, vẫn phải có một chương trình tổng thể để phát triển kinh tế đêm, khai thác được đầy đủ những lợi thế của mỗi vùng đất để thúc đẩy gia tăng giá trị kinh tế cho địa phương.
Bên cạnh đó, trong nhiều nghiên cứu về kinh tế đêm gần đây, các chuyên gia khẳng định có nhiều yếu tố ảnh hưởng với kinh tế đêm tại Việt Nam. Nổi bật trong đó là các chính sách hỗ trợ tài chính chưa được triển khai; chưa có cơ chế thu thuế, lệ phí đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm; Đề án hay kế hoạch phát triển kinh tế đêm của một số địa phương chưa cụ thể, không rõ các vướng mắc cần phải sửa đổi hoàn thiện, hay vẫn còn nhiều quy định thiếu hợp lý về hoạt động kinh tế đêm…
Theo TS. Lưu Thanh Tâm (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), nếu Việt Nam có chính sách đột phá, tạo cơ chế tốt để người dân mạnh dạn đầu tư, kinh tế ban đêm sẽ phát triển. Ngược lại, tại một số thành phố đều áp dụng quy định sau 24 giờ đêm, các hoạt động vui chơi giải trí phải dừng lại. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có tâm lý lo ngại vấn đề an ninh trật tự đối với các hoạt động sau 24 giờ.

Các kiến nghị phổ biến được đưa ra là cần tháo gỡ bất cập về giờ giấc kinh doanh hay đề xuất các Bộ, ngành, địa phương tổ chức, quy hoạch lại các khu vực du lịch, ưu tiên phát triển kinh tế ban đêm.
Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, thực tiễn kể từ sau Quyết định số 1129/QĐ-TTg cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt, sáng tạo hơn trong việc triển khai, phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm. Dù vậy, việc xây dựng khung chính sách cho các mô hình mới như kinh tế ban đêm chỉ là nền tảng bước đầu. Việt Nam cần không ngừng theo dõi, đánh giá quá trình triển khai chính sách để có những điều chỉnh cần thiết phù hợp với thực tế.
Lệ Thanh