Làm gì để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
Để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng, cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên với con cái, phải có trách nhiệm bảo vệ và giáo dục con, có sự hướng dẫn chọn lọc và giám sát nội dung những gì con đang theo dõi.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc học tập của trẻ em trên internet là nhu cầu tất yếu.
Tuy nhiên, việc sử dụng không gian mạng với tần suất lớn khi chưa đến tuổi trưởng thành với các nội dung thông tin trên internet chưa được kiểm chứng khiến trẻ em phải đối diện không ít nguy cơ, hiểm họa.
Google dẫn báo cáo cáo từ DQ Institute cho thấy, trong năm 2020, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có chỉ số an toàn trực tuyến dành cho trẻ em thấp nhất thế giới. Trong khảo sát của Nielsen đối với nhóm đối tượng trẻ em tại 4 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, thanh thiếu niên lên mạng thường đối mặt với những mối nguy như nội dung bạo lực, bắt nạt, tin giả hay các mối nguy từ người lạ.
Theo bà Nguyễn Phương Linh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Chuyên gia giáo dục kỹ năng số, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ vào mạng quá nhiều cũng tiềm ẩn những nguy hại hữu hình như lộ mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên môi trường mạng, nghiện game online, bắt nạt trên mạng xã hội. Nguy hiểm hơn nữa, trẻ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục trên mạng, bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng như trốn trong máy giặt, treo cổ… khuyến khích tự sát…
“Cấm đoán thường có tác dụng ngược khiến trẻ có thể tò mò mà lén lút, tự tìm hiểu càng dễ gặp rủi ro, và nếu gặp rủi ro lại không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng, mắc lỗi. Do đó, điều tiên quyết là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, cùng con phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con”- bà Linh chia sẻ.
Ảnh minh họa |
Để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng, cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên với con cái, phải có trách nhiệm bảo vệ và giáo dục con, có sự hướng dẫn chọn lọc và giám sát nội dung những gì con đang theo dõi; đảm bảo rằng các video, Tiktok con xem có nội dung giáo dục lành mạnh, không độc hại.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ hãy luôn là bạn thân thiết của con, lắng nghe, theo dõi giám sát những gì con xem, đọc. Với trẻ nhỏ dưới 7 tuổi, cha mẹ hãy chuyện trò và hướng dẫn con về mối nguy hại tiềm ẩn trong các video, Tiktok, Youtube, khuyên bảo trẻ nếu có lo ngại hoặc phát hiện gì lạ cần thông báo ngay với người lớn.
Nếu trẻ trên 7 tuổi hãy luôn giám sát và quản lý con khi trẻ tiếp xúc với môi trường mạng thông qua máy tính, điện thoại, tivi.
Nếu trẻ ở độ tuổi trên 14 tuổi, hãy hướng dẫn trẻ khi lựa chọn, sử dụng các kênh giải trí sao cho lành mạnh và an toàn. Đặc biệt, nên thường xuyên chuyện trò với con, qua đó biết được con đang quan tâm đến vấn đề gì trên mạng và định hướng đúng đắn, kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể điều chỉnh các cài đặt trên các thiết bị để con không thể truy cập vào các website, nội dung độc hại.
Điều quan trọng trước hết phải là ý thức của mỗi người dùng, những người lớn trong nhà luôn kèm cặp, nhắc nhở trẻ em.
Ngoài ra, bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật, các nhà mạng có thể hỗ trợ các gia đình kiểm soát nội dung truy cập trên Internet của trẻ em, giới hạn giờ truy cập... để dành thời gian cho sinh hoạt cùng gia đình hoặc vui chơi thể thao trong nhà, giúp nâng cao sức khỏe.
Quan trọng là các phụ huynh cần luôn đồng hành cùng trẻ em trong quá trình sử dụng thiết bị tham gia môi trường Internet. Nếu chưa có biện pháp kỹ thuật, các phụ huynh nên để ý đến thời lượng sử dụng thiết bị của trẻ em, đến các trò chơi, ứng dụng các em đang dùng; cân bằng các hoạt động trên Internet và các hoạt động thể thao...
Theo các chuyên gia, Internet đã, đang và sẽ trở thành môi trường vô cùng quan trọng trong cuộc sống, bất kể có dịch Covid-19 hay không. Do đó, người dùng cần chuẩn bị và có biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình, trở thành những người dùng Internet thông thái.
Ngoài ra, trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm.
Hoàng Thanh