Kinh nghiệm giảm thiểu bạo lực học đường từ thầy giáo Hưng Yên
Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của từng học sinh để có thể chia sẻ những khó khăn với học sinh, hướng học sinh đến hành động tích cực góp phần giảm thiểu bạo lực học đường.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn (trường THPT Dương Quảng Hàm, Hưng Yên) đã có những giải pháp hết sức thiết thực về phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên trong việc giảm thiểu bạo lực học đường.
Thầy Tuấn cho biết: “Hơn ai hết, chính giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của từng học sinh để có thể chia sẻ những khó khăn với học sinh, để an ủi và động viên các em vượt khó vươn lên.
Đặc biệt chú ý những học sinh có điều kiện và hoàn cảnh như: gia đình quá khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh mà bố mẹ có mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm…
Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với Đoàn trường nắm được tính cách từng em, gần gũi, động viên về tinh thần, chia sẻ khó khăn với các em. Với những học sinh thường hay gây gổ với bạn, giáo viên chủ nhiệm biết được thì nên tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý và phối hợp với giáo viên bộ môn, ban cán sự lớp gần gũi hơn, xóa được mặc cảm. Khi học sinh thấy mình được chia sẻ thì sẽ có suy nghĩ tích cực, phấn đấu tốt lên”.
Ảnh minh họa |
Cũng theo thầy Tuấn, giáo viên cần thường xuyên thông báo tình hình của học sinh tới phụ huynh về ý thức kỷ luật, thái độ học tập, kết quả học tập, rèn luyện của các em, phối hợp phụ huynh thường xuyên kiểm tra bài học của con em mình.
Khi học sinh có biểu hiện vi phạm kỷ luật như bỏ học, mâu thuẫn với nhau, cần nắm bắt kịp thời để xử lý nghiêm khắc.
Cùng với đó, phải tạo môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, văn minh. Giáo viên phải hiểu được tâm sinh lí của học sinh, biết kìm chế, tuyệt đối không được dùng bạo lực, ngôn ngữ xúc phạm đối với học sinh, ngay cả với những học sinh vi phạm kỉ luật. Các thầy, các cô phải luôn là tấm gương sáng để học sinh tin tưởng, học tập noi theo.
Nhà giáo không được dùng bạo lực nhưng cũng không được phép bất lực trước học sinh cá biệt. Thầy cô, nhà trường phải biết dùng tình thương để cảm hóa các em, dù các em có ngỗ ngược như thế nào đi nữa, nếu giáo viên biết dùng tình thương cảm hóa thì các em sẽ sống tốt hơn. Không nên có thành kiến với học sinh, sử dụng biện pháp kỷ luật quá nghiêm khắc đối với học sinh, hãy giáo dục học sinh bằng tình thương để cảm hóa các em.
Được biết, Trường THPT Dương Quảng Hàm trong những năm gần đây đã làm tốt công tác giáo dục đạo đức học sinh, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nói không với bạo lực học đường bằng việc động viên, khích lệ, hướng học sinh tới những hoạt động tích cực, nhiều tập thể lớp tình nguyện viết đơn đăng ký mỗi tuần làm một việc tốt, đăng ký chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, tích cực tham gia Ngày chủ nhật xanh, tham gia câu lạc bộ Sách và hành động.
Hoàng Thanh