Giải pháp nào thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường?
Nhiều chuyên gia cho rằng để thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường thì nên chú trọng công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ triển khai văn hóa học đường.
Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cốt lõi, cũng như xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được nhiều quốc gia, dân tộc quan tâm, chú trọng. Nền tảng để xây dựng, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa đó chính là các nhà trường, cơ sở giáo dục. Bởi trường học không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng hơn là dạy làm người.
Nói về việc triển khai phòng quy tắc ứng xử văn hóa học đường, đại diện phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết thời gian qua ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã triển khai thành công việc giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Thủ đô, góp phần giáo dục các em về thái độ và hành vi ứng xử.
Nội dung các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng lớp học, tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Vậy nên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ giữa người với người như đối với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông… đều có sự chỉn chu hòa nhã hơn.
Các trường học trên địa bàn thành phố đã thực hiện lồng ghép giảng dạy những nội dung của bộ tài liệu trong các môn học khác, kết hợp trong giáo dục đạo đức, hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt Đoàn, Đội, giúp các em ý thức được trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của người Hà Nội. Đây cũng chính là nền tảng của mô hình văn hóa ứng xử của các trường học trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Còn theo GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thì nhà trường là nơi đào tạo, bồi dưỡng con người, là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa để đào tạo ra những chuẩn mực văn hóa cho xã hội. Văn hóa học đường chính là cách xử sự, giao tiếp giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô giáo, giữa thầy cô giáo với nhau, giữa nhà trường với phụ huynh và cộng đồng xã hội.
Văn hóa học đường còn là ý thức, thái độ của học sinh trong giờ học, sự lĩnh hội kiến thức môn học; cách phát ngôn, ăn mặc của giáo viên, học sinh trong cũng như ngoài giờ học; hành vi, thái độ ứng xử trước mọi tình huống diễn ra trong và ngoài nhà trường...
Để xây dựng văn hóa học đường hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, giải pháp được GS.TS Thái Văn Thành để bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường phát huy được hiệu quả cần tổ chức nghiên cứu, thảo luận trong cán bộ, giáo viên, học sinh về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường cũng như lên kế hoạch hóa việc xây dựng văn hóa học đường và tổ chức xây dựng văn hóa học đường theo một quy trình khoa học, bài bản.
Cùng với đó là tổ chức phong trào thi đua xây dựng “nếp sống văn hóa” trong nhà trường, xây dựng văn hóa chất lượng trong các nhà trường cũng như chú trọng công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ triển khai văn hóa học đường.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm hoạt động thiết chế văn hóa; tăng cường quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa ứng xử đối với học sinh trên môi trường mạng; đẩy mạnh công cuộc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo góp phần xây dựng văn hóa học đường.
Riêng với kế hoạch hóa việc xây dựng văn hóa học đường, GS Thái Văn Thành cho rằng: Kế hoạch cần hướng đến và thực hiện được mục tiêu hình thành văn hóa mới của nhà trường; bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và phù hợp với thực tiễn. Kế hoạch cũng cần cụ thể, chi tiết tới từng việc, từng người, phù hợp với các điều kiện thời gian và nguồn lực khác để có thể thực thi được kế hoạch đó.
Có thể áp dụng quy trình 5 bước khi xây dựng kế hoạch này: Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược phát triển văn hóa học đường; Xác định giá trị cốt lõi, xây dựng tầm nhìn của nhà trường; Xác định hệ thống nhiệm vụ, chương trình hành động, hoạt động xây dựng văn hóa học đường; Lựa chọn mô hình phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn nhà trường.
Hoàng Thanh