Những người Việt sinh trước năm 1980 ít có nguy cơ nhiễm đậu mùa khỉ?
So với Covid-19, đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong cao hơn nhưng bệnh lại khó lây hơn. Đặc biệt những người sinh trước năm 1980 đã được tiêm vắc xin đậu mùa, đã có miễn dịch ít có nguy cơ nhiễm đậu mùa khỉ.
Dấu hiệu của bệnh
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đậu mùa là căn bệnh đã có trong quá khứ và đến năm 1980 chúng ta đã 'thanh toán' xong bệnh đậu mùa. Nhưng từ đầu năm 2022, đậu mùa khỉ lại xuất hiện ở Châu Phi, Tây Phi và một số nước Châu Âu và Châu Á.
Thực tế, đậu mùa khỉ xuất hiện từ năm 1958, nó lây sang người từ các loài động vật gặm nhấm, các loài động vật linh trưởng cũng có thể mang mầm bệnh lây cho con người.
BS Thái cho biết bệnh đậu mùa khỉ so với các bệnh khác như cúm, Covid-19 thì bệnh này ít được biết đến do số lượng người mắc không nhiều. Bên cạnh đó, mức độ lây lan của dịch không nhanh để có thể trở thành đại dịch. Điều quan ngại của dịch đậu mùa khỉ đó là bệnh có thể lây từ người sang người.
Triệu chứng đầu tiên của đậu mùa khỉ là sốt, đau người. Bên cạnh đó, người bệnh có thể xuất hiện sưng hạch ở cổ, bẹn sau đó xuất hiện lên đậu. Các hạt đậu xuất hiện 1 đến 3 ngày sau sốt. Hạt đậu ban đầu bằng phẳng sau đó gồ, sẩn lên.
Các chất dịch trong hạt đậu khô dần và đóng vảy. Có người chỉ 1, 2 nốt đậu nhưng có người có cả hàng trăm, nghìn nốt. Hạt đậu có thể mọc ở tay, chân, trong miệng, cơ quan sinh dục. Hạt đậu mọc kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần và sẽ tự hết.
Thạc sĩ Thái cho biết tổ chức Y tế thế giới các cơ quan y tế cảnh báo đậu mùa khỉ vì nó có nguy cơ tử vong. Chủng ở Tây Phi gây bệnh ở Châu Âu, Mỹ, Úc chưa gây tử vong nhưng các báo cáo ở Trung Phi, Tây Phi cho thấy tỷ lệ tử vong 3 đến 6%.
Đây là con số nghiêm trọng vì trong Covid-19 tỷ lệ tử vong ở chủng Delta chỉ 1- 2% tử vong.
Các chuyên gia họp bàn bệnh đậu mùa khỉ. |
Theo BS Thái, các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là người có sẵn bệnh da từ trước như chàm, trẻ em dưới 8 tuổi, phụ nữ mang thai có thể có biến chứng nặng. Biến chứng này chủ yếu bội nhiễm vi khuẩn từ da, biến chứng vào phổi, biến chứng vào hệ thần kinh trung ương, nhiễm trùng mắt gây mù loà.
Đường lây của bệnh đậu mùa khỉ?
Bệnh lây truyền khi người chưa có miễn dịch khi tiếp xúc với virus. Các nguồn tiếp xúc như động vật gặm nhấm, khỉ, vượn cào cắn, tiếp xúc phơi nhiễm do săn bắn, tiếp xúc với da, lông, thịt động vật.
Cách tiếp xúc thứ hai lây bệnh đậu mùa khỉ là người khi tiếp xúc với dịch của người bệnh nhất là dịch từ các nốt đậu làm lây truyền bệnh.
Dịch cơ thể có khả năng lây truyền như đường hô hấp, đường tiêu hoá. Một số thông tin cho rằng bệnh lây qua đường tình dục nhưng hiện chưa thấy virus trong tinh dịch.
Virus có thể đi qua hàng rào nhau thai nên có thể lây truyền từ mẹ sang con ở trong thai nhi.
Bệnh cũng lây truyền qua dịch tiết hô hấp nên bạn không đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần cũng tăng nguy cơ lây lan.
'Nhiều thông tin cho rằng chỉ quan hệ đồng tính mới lây lan nhưng thực chất việc quan hệ tình dục đồng giới hay khác giới đều có nguy cơ lây nhiễm đậu mùa khỉ' BS Thái cho biết.
Dựa vào tình hình thực tế, bác sĩ Thái cho rằng nguy cơ lây nhiễm không cao. Vì các lý do:
Thứ nhất, việc lây nhiễm đậu mùa khỉ khó hơn vì khi có tổn thương hạt đậu thì chúng ta cũng ít tiếp xúc hơn.
Thứ hai, bệnh lây truyền khi có triệu chứng nhưng thời gian ủ bệnh dài. Nếu cúm từ hôm trước, hôm sau đã có triệu chứng nhưng đậu mùa khỉ thời gian ủ bệnh lên tới 2, 3 tuần, đây là thời gian dài đủ để cắt đứt đường lây truyền.
Thứ ba, vắc xin bệnh đậu mùa cũng có tác dụng ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Nếu người sinh năm trước năm 1980 đã được tiêm vắc xin ngừa chủng đậu mùa thì ít có nguy cơ nhiễm bệnh hơn. Tiêm phòng đậu mùa thường để lại sẹo. Bạn có thể tự kiểm tra trên bắp tay nếu bạn có hai vết sẹo tiêm chủng đó là dấu vết của tiêm đậu mùa và phòng lao.
Với nhân viên y tế, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao hơn vì vậy nhân viên y tế luôn duy trì các biện pháp phòng hộ cá nhân để phòng bệnh đặc biệt người sinh sau năm 1980.
Khánh Chi