Học sinh đồng tính bị giáo viên kỳ thị
Ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) cho hay, khảo sát sơ bộ được thực hiện với 3.214 người LGBT tại Việt Nam. Số người tham gia khảo sát chủ yếu trong độ tuổi đến trường ở bậc THPT và ĐH, CĐ, 40% các bạn sinh năm 1993 – 1995 .
Theo kết quả khảo sát này, 44% các bạn LGBT gặp kỳ thị ở môi trường học đường, xếp thứ 2 sau môi trường ngoài xã hội (47%). Các hình thức kỳ thị phổ biến mà các bạn trẻ LGBT thường gặp ở trường học là bị bạn bè chọc ghẹo; bị giáo viên đánh giá học tập không công bằng; bị giáo viên, nhân viên la mắng, xúc phạm; bị ép buộc cách ăn mặc…
Các bạn trẻ LGBT khi bị kỳ thị thường có tâm lý co cụm lại, rất hiếm bạn tìm đến thầy cô để nhờ hỗ trợ, nhiều người có suy nghĩ thà chết còn hơn, chán nản, tuyệt vọng. Thực tế, trường học còn khá lúng túng trước các vấn đề của học trò đồng tính, chuyển giới.
Một bạn LGBT xin giấu tên chia sẻ: “Em sinh ra là nam, nhưng từ trong sâu thẳm con người mình, em biết mình là nữ. Sau một thời gian dài cố gắng sống trong vỏ bọc, em quyết định sống đúng với con người thật của mình. Em cũng biết rằng khi em quyết định như thế, gia đình, bạn bè sẽ rất sốc, nhưng quả thật em không nghĩ rằng em lại bị cô lập đến như vậy. Cha mẹ quát mắng, bạn bè gọi em là “thằng biến thái”, thầy cô bắt em cắt tóc dài, không cho em mặc đầm… Em thấy tuyệt vọng”.
Ông Trần Khắc Tùng nhấn mạnh, đây chỉ là khảo sát sơ bộ ban đầu về cộng đồng LGBT nhưng chắc chắc thể hiện phần nào bức tranh về cộng đồng, nhất là các bạn LGBT trẻ. Đối với các bạn trong cộng đồng LGBT trẻ tuổi, ngoài môi trường xã hội, gia đình thì sự hỗ trợ từ trường học là động lực rất lớn để giúp các bạn học tập, phát huy tốt khả năng của mình.
Vì thế, các nhà trường cần được cung cấp các kiến thức khoa học về LGBT cho ban giám hiệu, giáo viên và cả phụ huynh để có phương pháp phù hợp hỗ trợ các học sinh thuộc nhóm LGBT giúp các em tránh bị kỳ thị.
Ngoài xã hội, nhà trường, gia đình là môi trường kỳ thị thứ ba đối với người LGBT. 95% những người tham gia khảo sát cho biết đã từng trải qua cảm giác bị kỳ thị, trong đó sự kỳ thị nhiều nhất đến từ bạn bè và chính người thân trong gia đình. Rất nhiều người trong cộng đồng LGBT đã phải chịu áp lực từ gia đình trong việc buộc phải lập gia đình với người khác giới.
Với sự nỗ lực của mình, chính những người cha, người mẹ từng ngỡ ngàng, tuyệt vọng về con đã thay đổi và đứng lên lập ra Hội phụ huynh có con là người LGBT tại Việt Nam đã chính thức được thành lập (PFLAG - Parent and Friends of Lesbian and Gay).
Anh Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc truyền thông của ICS đồng thời là người hỗ trợ chính cho PFLAG, cho biết: "Mẹ Yến Ly, một phụ huynh của PFLAG đã chia sẻ: Nếu xét về mọi mặt, tôi nghĩ mình đã có thể mỉm cười với hoàn cảnh hiện tại. Con tôi thành đạt và đang có một người bạn đời xứng đáng, gia đình tôi đã hiểu và đứng về phía con... Nhưng tôi cảm thấy mình vẫn cần làm thêm nữa... Đó là vì môi trường sống của con tôi, nó phải thật sự công bằng và bình đẳng, bạn bè của con tôi cũng phải được như vậy".
Trong giai đoạn 2015-2018, ngoài các hoạt động xã hội giúp chia sẻ với người thân của người trong cộng đồng LGBT, PFLAG sẽ liên minh với các đối tác cùng tham gia đối thoại với chính phủ và quốc hội để xây dựng luật và chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT.