Hiến kế tận dụng tối đa lợi thế do Hiệp định UKVFTA mang lại
Chia sẻ trong một Toạ đàm về Hiệp định UKVFTA mới đây, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) – cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu về thị trường Anh.
Ông Dương gợi ý doanh nghiệp nên tăng cường đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư đến từ Vương quốc Anh, để tạo niềm tin rằng doanh nghiệp Việt Nam luôn sẵn sàng cho sân chơi lớn. Qua đó cũng học hỏi được những kinh nghiệm, kiến thức của cộng đồng các nhà đầu tư đến từ Anh quốc. Họ không chỉ là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt và người tiêu dùng Anh mà còn cung cấp các thông tin cần thiết về thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương với vai trò của mình nên thường xuyên chia sẻ các thông tin hữu ích về thị trường Vương quốc Anh cho cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ cập nhật thông tin thị trường, những xu hướng tiêu dùng mới, những yêu cầu mới, Bộ Công thương cần thường xuyên đưa ra những dự báo, những khuyến nghị,… đặc biệt là trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu như hiện nay.
Cũng theo ông Dương, xu hướng xúc tiến thương mại là tất yếu, nhưng cần phải có những kênh xúc tiến thương mại mới với thị trường Anh trong bối cảnh mới. Trong đó, kênh thương mại số cũng có thể là một kênh Bộ Công thương cần thúc đẩy.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác với các đối tác thương mại Anh quốc là hợp tác theo cơ chế thị trường, có nghĩa là doanh nghiệp không thể trông đợi quá nhiều vào sự bảo hộ, hỗ trợ của cơ quan nhà nước.
“Thay vào đó, doanh nghiệp phải giải quyết vấn đề theo đúng cách thị trường vận hành, trong đó có việc xử lý tranh chấp thương mại qua kênh thương mại.”, ông Dương nói.
Điều quan trọng đầu tiên với mỗi doanh nghiệp là bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định thương mại tự do. Ngay cả những hiệp định quan trọng như CPTPP hay EVFTA nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp hiểu lơ mơ về các quy định trong hiệp định. Với một hiệp định quan trọng như UKVFTA, thách thức cũng tương tự, nếu doanh nghiệp không chủ động tìm hiểu thông tin về các cam kết nêu trong hiệp định thì việc tận dụng cơ hội từ hiệp định sẽ rất khó.
Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị cần được nâng cao. Nếu doanh nghiệp chỉ nhìn nhận giá trị của UKVFTA là cắt giảm thuế nhập khẩu thì rõ ràng cách nhìn đó chưa được đầy đủ.
“Lợi thế cạnh tranh phải xuất phát từ việc doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được, kết nối được với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp của Anh trong chuỗi cung ứng hay không. Để làm được điều đó, doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh về giá mà còn phải biết làm thế nào để đáp ứng được tiêu chuẩn về hàng hoá, ý thức được việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường Anh; đồng thời phải đảm bảo được hàng hoá của mình giao cho các đối tác ở thị trường Anh không bị rủi ro về logistic.”
Cuối cùng, ông Dương khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro. Bối cảnh hiện nay doanh nghiệp cần lưu tâm đến rủi ro tỉ giá, đây cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng đến chi phí cũng như lợi ích của doanh nghiệp và khả năng tái đầu tư trong tương lai.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Ngô Trung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương –Bộ Công thương với vai trò theo dõi việc thực hiện các FTA trong đó có UKVFTA đang tập trung vào những vấn đề lớn. Một trong số những vấn đề đó là giải quyết vấn đề về cung cấp thông tin.
“Chúng ta không nên tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo chung chung mà cần đi sâu vào chuyên ngành, mời các chuyên gia thuộc lĩnh vực có liên quan đến mặt hàng đó đến chia sẻ. Tại đó, doanh nghiệp còn thiếu những thông tin, kiến thức gì thì sẽ được bổ sung.”, ông Ngô Trung Khanh nói. “Đồng thời giải quyết tư duy e ngại của doanh nghiệp thì cần có sự chia sẻ từ những doanh nghiệp đã thành công tại thị trường Anh và mời họ chia sẻ cách làm để doanh nghiệp mắt thấy tai nghe.”
Bộ Công thương được giao là đầu mối xây dựng một cổng thông tin để tạo ra một kênh tương tác với doanh nghiệp, cung cấp tất cả mọi thông tin liên quan đến FTA, như quy tắc xuất xứ, quy tắc về thuế, thông tin thị trường, vấn đề lao động và môi trường,…
“Trước đây doanh nghiệp tìm hiểu về vấn đề lao động thì phải đến Bộ LĐ-TB&XH mà cũng chưa biết gặp ai, muốn tìm hiểu về vấn đề môi trường thì đến Bộ TN&MT mà cũng chưa biết gặp ai. Bây giờ chúng tôi kết nối tất cả họ lại với nhau thông qua một cổng đó, doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ mà có thể có được gần như đầy đủ thông tin họ cần.”, đại diện Bộ Công thương chia sẻ.
Cũng theo ông Khanh, dự kiến cuối năm 2023 Bộ Công thương sẽ công bố xếp hạng chỉ số FTA của tất cả 63 tỉnh thành về kết quả thực thi các FTA. Bảng xếp hạng này giống như PCI cấp tỉnh xếp hạng về hoạt động cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hiền Anh