Giải pháp nào ngăn chặn nạn xâm hại trẻ em trên mạng xã hội?
Cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng.
Tại hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục” đã được Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức, một thông tin đáng lo ngại nữa được đưa ra, cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng.
Vấn đề rất đáng lo ngại là Facebook, YouTube... hiện là môi trường hỗn độn mà ở đó người dùng rất khó phân biệt giữa cái tốt, cái thật với cái xấu, cái giả dối. Giữa rừng thông tin “ảo nhiều hơn thật”, liệu có bao nhiêu phần trăm người dùng nói chung và con trẻ nói riêng đã được trang bị một bộ lọc thông tin hữu hiệu?
Ảnh minh hoạ |
Trong khi đó, một khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet; và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày.
Theo thống kê, hiện mỗi ngày Youtube, Facebook đăng tải hơn 500 giờ clip, video lên mạng xã hội và điều này cho thấy luồng thông tin khổng lồ đang tác động tới trẻ em.
Trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn và làm theo. Những điều phản cảm lặp đi lặp lại sẽ được trẻ em coi là bình thường nên nhiều bạn cùng bắt chước. Do đó, video trên mạng đang tác động đến định hướng của giới trẻ.
Cảnh báo chung của các đại biểu đưa ra là “Chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay, không ít trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng (như xâm hại tình dục, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc không phù hợp, thương mại điện tử, nghiện internet/game trực tuyến…).
Giải pháp đặt ra cho câu chuyện này theo PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Để ngăn chặn, cần giải pháp tổng thể, bên cạnh hệ thống pháp luật thì nâng cao năng lực công nghệ số để kiểm soát, đồng thời nâng cao năng lực từ chính cha mẹ và chính các em khi tham gia thế giới mạng. Tùy vào độ tuổi và năng lực nhận biết theo độ tuổi mà cha mẹ có những định hướng để mở rộng dần cho các em tham gia không gian mạng”. Đặc biệt, bố mẹ phải là tấm gương trong cuộc sống, những gì bố mẹ làm có tác động rất lớn tới tâm lý con trẻ.
Đặc biệt, vào tháng 10 Bộ Thông tin và Truyền thông đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhằm triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Bộ Quy tắc gồm các quy tắc chung và quy tắc riêng áp dụng cho từng nhóm đối tượng trên không gian mạng bao gồm: Trẻ em; cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; người dùng internet, các đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung tại Việt Nam.
Ngoài các quy tắc chung, trong Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ quy tắc ứng xử cho từng nhóm đối tượng cụ thể.
Với trẻ em, cần chú ý 5 quy tắc. Cụ thể là: Tìm hiểu các biện pháp an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội và chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm; cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm các thông tin; không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân, không làm quen, gặp gỡ với người lạ qua không gian mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ; không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè, người khác; chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, khi bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên không gian mạng...
Cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ cần: Tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ trên không gian mạng, quan tâm chăm sóc, lắng nghe ý kiến của trẻ; trau dồi, cập nhật các kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; hướng dẫn con em mình các kỹ năng sử dụng thiết bị, mạng xã hội an toàn; cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm...
Trong dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu ra quy tắc cụ thể áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Theo đó, các đơn vị này cần xây dựng các nội dung truyền thông phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và tiêu chuẩn cộng đồng; luôn ưu tiên đặt lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Đặc biệt, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, nền tảng có biện pháp kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ em khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; thiết lập các công cụ kỹ thuật để rà soát, chặn lọc và loại bỏ nội dung độc hại đối với trẻ em; cung cấp và liên tục cải tiến các bộ lọc nội dung, cảnh báo, hạn chế tiếp cận thông tin phù hợp với từng độ tuổi...
H. Anh