Làm gì để chủ động ứng phó với xã hội già hoá dân số?
Để hiểu rõ hơn về thực trạng chăm sóc người cao tuổi, các thách thức, thuận lợi và giải pháp ứng phó nhằm xây dựng một xã hội già hóa khỏe mạnh, chủ động; tăng cường vai trò nhận thức, sự vào cuộc của cả xã hội trong việc chăm sóc và phát huy người cao tuổi..., Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Tổng cục Dân số, Bộ Y tế thực hiện chương trình Giao lưu trực tuyến "Làm gì để chủ động ứng phó với xã hội già hóa dân số?". Khách mời tham gia chương trình gồm: TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế; GS. Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân; TS.BS Trần Viết Lực - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó là vào năm 2017. Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số.
Tại buổi giao lưu, các diễn giả cùng chia sẻ các mô hình chăm sóc người cao tuổi, như chăm sóc tại nhà, chăm sóc tại cộng đồng, chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội...; Cách quan tâm chăm sóc cho ông bà, bố mẹ cả về điều kiện kinh tế lẫn tinh thần của con, cháu...; Cách chuẩn bị tâm lý bước vào tuổi già như phải chuẩn bị tâm lý vững vàng cho một giai đoạn mới của cuộc đời, cần chuẩn bị về mặt kinh tế sao cho có thể tự đảm bảo được cuộc sống của mình, giữ gìn bảo vệ sức khỏe; Các chính sách xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi với sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội, như: Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp, gia đình và bản thân người cao tuổi...
Mạnh Hùng