Những chuyến bay Xuân Mậu Thân
Xuân Mậu Thân - 1968, thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng, quân dân ta đồng loạt tổng tấn công các đô thị trên toàn miền Nam, làm nên một mùa Xuân hào hùng. Tham gia tiếp tế và trực tiếp đánh địch ở những mặt trận xung yếu mùa Xuân năm ấy có các tổ bay của Đoàn 919 anh hùng. Đã 50 năm trôi qua, những ký ức về những lần xuất kích và những đồng đội không trở về vẫn day dứt những người ở lại.
Ông Nguyễn Văn Sửu, thành viên Đoàn 919 nhớ lại: Khi ấy, từ nơi sơ tán Tường Vân rồi Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), chúng tôi bay về Sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Những chiếc IL -14 vốn chỉ dùng chở hàng đã được kỹ sư Nguyễn Tường Long cải tiến thành máy bay ném bom, với mật danh T - 14. Đội bay IL được thành lập ngay khi ấy với 6 tổ bay, mỗi tổ 5 người. Trong đó, 3 tổ với các lái chính Nguyễn Văn Bang, Phạm Văn Ba, Hoàng Liên là tốp ném bom, mục tiêu chính là đồn Mang Cá (TP.Huế); 3 tổ còn lại do các cơ trưởng Hoàng Ngọc Trung, Vũ Minh Chung, Phạm Kế có nhiệm vụ thả hàng xuống vùng phá Tam Giang (Huế) hỗ trợ các đơn vị của ta.
Trong các mặt trận của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, mặt trận Trị Thiên-Huế khốc liệt và đẫm máu nhất. Cuộc tiến công và nổi dậy làm chủ thành phố của quân và dân địa phương đã gặp phải sự kháng cự và phản kích mạnh của địch khiến nhiều đơn vị dù làm chủ được TP.Huế và các vùng phụ cận nhưng do đạn dược cạn kiệt, lương thực thiếu thốn đã phải rút về căn cứ hoặc chấp nhận hy sinh. Để chi viện kịp thời cho mặt trận Huế khi ấy, những chuyến bay của Đoàn 919 dù gấp rút chuẩn bị (đường bay, xác định tọa độ các cao điểm của địch, các vị trí thả hàng và vũ khí cho tới chuẩn bị đường rút…) từ trước đó cả tháng nhưng đến ngày 7/2/1968 mới có thể xuất kích.
Ông Sửu cho biết: “Sau bữa cơm chiều, tất cả phi đội đã sẵn sàng; trong đó tôi lái phụ và Hoàng Ngọc Trung làm cơ trưởng phụ trách chiếc T-14 (mang số hiệu 514). Trước giờ xuất kích, thay mặt Bộ Tổng tham mưu, Thiếu tướng Trần Văn Quang đã đến sân bay động viên cả phi đội. Khi mặt trời lặn, cả đội lên đường và chiếc 514 của chúng tôi vinh dự làm nhiệm vụ “mở đường”.Qua điện đàm, phi đội được biết trong thành Huế, ta và địch đang giằng co ác liệt.Cụ thể, các đơn vị và trọng pháo của đối phương tập trung cố thủ ở đồn Mang Cá (đây cũng là sở chỉ huy Sư đoàn 1 quân đội Việt Nam cộng hòa - mục tiêu chính của các tổ bay ném bom).
Lễ thành lập Trung đoàn không quân vận tải 919 tại sân bay Gia Lâm ngày 1/5/1959. |
Để bảo đảm yếu tố bí mật và bất ngờ, phi đội không dùng dẫn đường, mà linh hoạt theo tình huống chiến đấu với phương châm “tự đi, tự dẫn, tự đánh, tự về”. Hôm ấy trời mưa phùn do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, đêm tối không có các chỉ giới và cảnh báo mặt đất nên cả phi đội phải “mò mẫm” trên những tham số đã tính toán từ trước (giữ vững tốc độ, độ cao, bay theo hướng tính toán trước và xác định mục tiêu tấn công…). Mặc dù trước đó Trung đoàn phó 919 Phan Huyến đã cùng 60 cán bộ, chiến sỹ vào Quảng Bình lập sở chỉ huy tiền phương (với mật danh Trường Sơn) do Tham mưu trưởng Trần Mạnh (sau này là Tổng Cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng) chỉ huy cùng 2 đồng chí Lê Quỳ và Hồ Bạch Đào thâm nhập vào áp sát mặt trận, xác định tọa độ mục tiêu tấn công cho cả phi đội, tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như kịch bản chiến đấu đã được lập sẵn.
“Cụ thể, dù đã đến vùng trời Huế nhưng chúng tôi không thấy các đống lửa như quy định và cũng không nhận được tín hiệu từ 2 đài chỉ thị mục tiêu, nên đành phải quay về. Trận ra quân ngày 7/2 ngoài thất bại không thể chi viện cho các đơn vị đang quần nhau với địch, chiếc T-14 (mang số hiệu 512) của tổ Hoàng Liên bay chệch ra biển còn bị tàu địch phát hiện, bắn trúng cánh, nên trên đường quay về đã phải hạ khẩn cấp xuống sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa). Đau hơn, chiếc T-14 (mang số hiệu 502) của tổ Phạm Kế do cố lượn để tìm địa điểm thả hàng nên không kịp phát hiện đỉnh núi bị những đụn mây che khuất. Chiếc T-14/502 va vào núi mang theo 8 đồng đội không trở về ngay đêm đầu tiên xuất trận”, ông Sửu nhớ lại.
Không đạt được mục tiêu, chúng tôi thấy mình mắc nợ với người đã hy sinh và có lỗi với những đồng chí đang thiếu thốn đạn dược, lương thực nơi chiến trường ác liệt. Ngày 9/2, tổ bay của Nguyễn Văn Bang lại cất cánh, ngoài mục tiêu tập kích đồn Mang Cá còn có nhiệm vụ thăm dò khí tượng. Nếu thời tiết thuận lợi sẽ thông báo cho các tổ khác cùng xuất kích, trợ chiến. Nhưng đêm ấy trời lại mưa phùn, mây mù vẫn bao phủ và tổ bay phải trở về. Trên đường về phải cắt hủy bom tại Hoà Lạc (Sơn Tây) để tránh tai nạn khi hạ cánh. Không lùi bước, tối 11/2, tổ Hoàng Ngọc Trung lại lên đường, quyết tâm mang chiến công đầu tiên về cho phi đội.
Ông Nguyễn Bình Sen, thành viên Đoàn 919 thuộc tổ cơ giới trên không trong chuyến bay hôm đó kể lại: Chúng tôi bay ở độ cao 1.600m, khi bay qua sông Bồ Giang (vùng trời Huế) 15 phút thì lượn vòng để thả dù. Thời tiết quá xấu nên việc xác định địa điểm hết sức khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn thả được 15 chiếc dù xuống mục tiêu đã định. Do lượn vòng để thả dù nên bị địch phát hiện, chúng cho máy bay tiêm kích đuổi theo. Phải rất vất vả tổ bay của chúng tôi mới thoát khỏi địch và bay về đến Phủ Lý (Hà Nam), rồi hạ xuống độ cao còn 300 mét cắt đuôi sự đeo bám của chúng.
Rút kinh nghiệm đêm 11/2, đêm 12/2, cả 4 tổ bay còn lại do các lái chính Hoàng Ngọc Trung, Võ Minh Chung, Nguyễn Văn Bang và Phạm Thanh Ba lại xuất kích. Hai tổ của Hoàng Ngọc Trung và Võ Minh Chung có nhiệm vụ bay thả dù hàng tiếp tế cho mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị); tổ bay Phạm Thanh Ba và Nguyễn Văn Bang có nhiệm vụ ném bom và tiếp tế đạn cối cho các đơn vị mặt đất đánh đồn Mang Cá. Do bay vào trung tâm trận giao tranh, người bị máy bay địch áp sát, các đơn vị mặt đất (pháo cao xạ, súng phòng không…) của địch cũng cảnh giác cao độ. Do đó, các tổ nhận nhiệm vụ được chỉ định, gặp địch thì đánh, không gặp được mục tiêu thả hàng và vũ khí thì phải bay ra biển, cắt hủy toàn bộ bom và đạn cối mang theo.
Kết quả đêm 12/2, thời tiết vẫn quá xấu, hai tổ bay Hoàng Ngọc Trung và Vũ Minh Chung vẫn không phát hiện được mục tiêu cụ thể để thả dù. Do hạ quá thấp để xác định địa điểm nên máy bay của Vũ Minh Chung đã va vào núi, khiến toàn tổ bay hy sinh. Hai tổ của Bang và Ba không thể tìm được đồn Mang Cá, nhưng khi ra biển cũng kịp đánh chìm một tàu chiến, hỏng nặng hai tàu khác của địch. Tuy nhiên, một trong 2 tổ bay đã không trở về. Chỉ duy nhất tổ bay của Hoàng Ngọc Trung phát hiện được địa tiêu nên thả hàng trở về hạ cánh an toàn. Trong bản tin sáng 13/2, Đài BBC đã đưa tin về sự kiện này: “Lần đầu tiên không quân Bắc Việt Nam đã ném bom xuống cửa Thuận An đánh chìm một tàu và bắn hỏng hai tàu khác”.
50 năm đã trôi qua nhưng hài cốt nhiều thành viên Đoàn 919 vẫn chưa có cơ hội đoàn tụ với quê hương. Theo ông Nguyễn Văn Sửu, mới đây Đoàn 919 đã nhận được tin có người ở khu vực miền tây Thừa Thiên – Huế đã trực tiếp chôn cất một số phi công của ta trong dịp đầu năm 1968. Ngay lập tức, Quân chủng Phòng Không - Không quân và Đoàn bay 919 đã lên có kế hoạch tìm kiếm đưa các anh về.Ông Sửu bùi ngùi và chứa chan hy vọng, những đồng đội quả cảm của ông sẽ sớm được trở về quê hương bên người thân và gia đình ngay trong năm 2018 này.