Đội ngũ giáo viên cần được đào tạo về xây dựng văn hóa học đường
Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho rằng đội ngũ giáo viên cần thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, dài hạn do tỉnh, địa phương tổ chức về chuyên môn, văn hóa học đường.
Văn hóa ứng xử học đường chính là các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của cán bộ, giáo viên, học sinh trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Đó là yếu tố rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục các thế hệ học sinh.
Vì vậy, nhiều người cho rằng việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất trong từng môi trường giáo dục.
Nếu môi trường giáo dục thiếu đi nét đẹp của văn hoá ứng xử thì không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ. Chính vì thế nên xây dựng văn hóa ứng xử học đường có vai trò quyết định sự sống còn đối với từng nhà trường.
Theo cô Hoàng Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định, tỉnh Nam Định thì văn hóa nhà trường không chỉ tác động đến giáo viên, học sinh mà còn tạo hiệu ứng tích cực với phụ huynh, cộng đồng, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động, thể hiện tính nhất quán giữa 3 môi trường giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội.
Đây cũng là lý do vì sao xây dựng văn hóa học đường trở nên vô cùng cấp thiết và trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.
Ảnh minh họa |
“Văn hóa học đường chính là nét đẹp nhân cách của thầy và trò, là sức mạnh nội sinh tạo nên sự phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu của mỗi nhà trường, từng cơ sở giáo dục, mỗi quốc gia, đặc biệt trong quá trình hội nhập, giao thoa của các nền văn hóa như hiện nay”, cô Hoàng Thanh Bình chia sẻ.
Với mong muốn xây dựng một cộng đồng giáo dục, trong đó cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng thấm nhuần, hướng đến những giá trị tốt đẹp, thời gian qua, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông đã nghiên cứu và tiến hành xây dựng những giá trị cốt lõi, quy tắc văn hóa vừa bảo đảm tính chuẩn mực theo yêu cầu đổi mới giáo dục, vừa thỏa mãn được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của các bên tham gia.
Những giá trị cốt lõi mà cộng đồng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh cùng hướng tới, theo cô Hoàng Thanh Bình, đó là: “Đẹp, Nhân ái, Đoàn kết, Trách nhiệm và Văn minh”. Những giá trị cốt lõi này được thể hiện cụ thể, rõ nét ở bộ quy tắc văn hóa nhà trường, nội quy học sinh và cam kết giữa phụ huynh học sinh với nhà trường.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công nghệ số phát triển, dạy học trực tuyến đã trở thành phổ biến thì việc xây dựng quy tắc văn hóa trên không gian mạng cũng là điều nhà trường đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, huy động các lực lượng cùng tham gia vào quá trình hình thành, nuôi dưỡng, phát triển văn hóa học đường cho học sinh là điều hết sức cần thiết.
“Thầy cô giáo, cha mẹ, các tổ chức đoàn thể hãy là tấm gương sáng về văn hóa trong đời sống: “Đẹp, nhân ái, đoàn kết, trách nhiệm và văn minh”; cùng chung tay gieo cho học sinh tư duy tích cực, giúp các em có hành động và thói quen tích cực để hình thành tính cách tích cực. Bởi những điều các em được học tập, rèn luyện trong gia đình, nhà trường, cộng đồng hôm nay sẽ góp phần khẳng định vinh quang và nâng tầm văn hóa của gia đình, nhà trường, đất nước mai sau”, cô Hoàng Thanh Bình nêu quan điểm
Để xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo nhiều cơ sở giáo dục cho biết việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa học đường, về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học phải gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho rằng, cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, tạo ra môi trường văn hóa học đường lành mạnh. Điều này được thể hiện qua việc bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong các trường học, thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử.
Đội ngũ giáo viên cần thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, dài hạn do tỉnh, địa phương tổ chức về chuyên môn, văn hóa học đường. Qua đó, để giáo viên có thể hiểu sâu, hiểu rộng về những kiến thức văn hóa cũng như xã hội để giáo dục học sinh.
Hoàng Thanh