Dịch Covid-19 căng thẳng, tất cả nhân viên y tế không được đi quán bar, ăn tiệc buffet
Đến sáng 7/5 có tới 7 bệnh viện phong toả, trong đó nguy cơ hình thành ổ dịch lớn như BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K Trung ương vì vậy chưa khi nào công tác phòng chống dịch báo động đỏ như hiện tại.
Phát hiện 10 ca dương tính nCoV, BV K tạm thời phong toả để phòng, chống dịch Covid-19
Bệnh viện K đã có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Y tế, ghi nhận 10 ca dương tính Covid-19, bao gồm bệnh nhân và người nhà.
Sáng 7/5, Bệnh viện K phong toả do phát hiện 10 ca dương tính. Theo đó, có 1 bệnh nhân đã từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nên tối 6/5, Bệnh viện K đã tiến hành xét nghiệm khoa Ngoại gan mật và kết quả trong 123 mẫu xét nghiệm có 10 ca dương tính là 4 ca là người nhà, 6 ca là bệnh nhân.
Đến hiện tại đã có 7 bệnh viện bị phong toả liên quan tới dịch Covid-19 trong làn sóng thứ 4. Bao gồm các bệnh viện:
1. BV Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc)
2. BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, HN)
3. Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An)
4. Bệnh viện Phổi Lạng Sơn
5. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
6. Bệnh viện Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội)
7. Bệnh viện K trung ương cơ sở 3.
Các nhân viên y tế nâng cao công tác phòng chống Covid-19 |
Trước thực trạng lây nhiễm trong bệnh viện, hiện PGS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã yêu cầu tất cả các bệnh viện trên toàn quốc hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép. Bố trí khoảng cách ít nhất là 2m giữa các giường bệnh. Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Khuyến cáo người dân nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh và khuyến cáo người dân không nên đến quá sớm trước lịch hẹn.
Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19: thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke...
PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đánh giá dịch tễ lần này phức tạp hơn các làn sóng trước rất nhiều do có biến chủng mới. Số ca bệnh lây lan với tốc độ nhanh. Nếu những làn sóng trước các ca được coi là “siêu lây” cũng chỉ trong mức độ gia đình, địa phương nhỏ còn hiện tại thì các ca bệnh đã lây ở mức tỉnh thành. Ví dụ như các ca ở Vĩnh Phúc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hiện xác định hơn 2.000 người đã từng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong 14 ngày trước khi phong toả thì chắc chắn số ca dương tính ở các tỉnh thời gian tới sẽ tăng. Đến hiện tại thêm BV K Trung ương nhưng xác định có thể lây từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều này sẽ giúp xác định F0 và tìm được nguồn lây giúp công tác khoanh vùng cách ly tốt hơn.
Hiện tại, bệnh viện luôn là môi trường lây nhiễm rất lớn nên người dân tuyệt đối không lơ là chủ quan. Thói quen người Việt thích đến thăm hỏi, chăm nuôi khi bị ốm đau cần hạn chế lại vì bất cứ ai trong bệnh viện cũng có thể mang virus.
Tại các bệnh viện, PGS Phu khuyến cáo, nguy cơ lây chéo rất lớn vì vậy việc phòng chống nhiễm khuẩn phải luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong bệnh viện. Việc kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế quy định với quy trình rất chi tiết từ phân luồng xét nghiệm, đến sàng lọc, xử trí với ca bệnh… được quán triệt từ đầu mùa dịch và chưa lúc nào hạ mức quan tâm, cảnh báo.
Khánh Chi