Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa ứng xử ở từng trường học
Không chỉ chú trọng vào việc giảng dạy kiến thức cho học sinh mà nhiều cơ sở giáo dục đặc biệt chú trọng đến kỹ năng sống, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh để học sinh phát triển toàn diện.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai bộ quy tắc về văn hóa học đường.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên, gia đình và cộng đồng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; về mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, gia đình người học, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong trường học.
Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, tạo ra một môi trường văn hóa học đường lành mạnh.
Ảnh minh họa |
Nội dung đổi mới, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học được thể hiện qua việc bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong các trường THPT; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo, vùng miền. Giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho nhà giáo, người học.
Không chỉ chú trọng vào việc giảng dạy kiến thức cho học sinh mà Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đặc biệt chú trọng đến kỹ năng sống, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh để học sinh phát triển toàn diện.
Theo chia sẻ của cô Trần Thị Bích Hợp – Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa: “Tăng cường công tác giáo dục đạo đức học sinh được nhà trường rất chú trọng và luôn quan tâm. Hằng năm đều có kế hoạch, chương trình giáo dục, chi tiết để giảng dạy cho học sinh”.
Theo đó, nhà trường triển khai đến toàn thể giáo viên, học sinh, lồng ghép việc giáo dục đạo đức trong các môn học. Đặc biệt, coi trọng công tác giáo viên chủ nhiệm. Chính các cô sẽ sát sao, nắm bắt tâm lý và hỗ trợ học sinh.
Không những vậy, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động thực tế như: các chuyên để phòng chống bạo lực học đường; chuyên đề về giáo dục tâm lý lứa tuổi, giới tính; chuyên để về giao tiếp ứng xử trong học đường…
Thường xuyên tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh: các câu lạc bộ sở thích, văn nghệ, thể thao…
Như vậy, để xây dựng văn hóa học đường trong các trường giúp môi trường giáo dục ngày càng lành mạnh, tạo môi trường dạy và học tốt cho giáo viên và học sinh cần phải có những nhóm giải pháp thiết thực và từng bước thực hiện để đạt kết quả.
Hoàng Thanh