Đa số trẻ chưa được đào tạo bài bản việc sử dụng internet an toàn
Theo nghiên cứu của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay đa số trẻ chưa được đào tạo hay hướng dẫn một cách bài bản việc sử dụng internet làm sao cho thật an toàn.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Bộ Quy tắc gồm các quy tắc chung và quy tắc riêng áp dụng cho từng nhóm đối tượng trên không gian mạng bao gồm: Trẻ em; cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; người dùng internet, các đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung tại Việt Nam.
Ngoài các quy tắc chung, trong Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ quy tắc ứng xử cho từng nhóm đối tượng cụ thể.
Với trẻ em, cần chú ý 5 quy tắc. Cụ thể là: Tìm hiểu các biện pháp an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội và chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm; cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm các thông tin; không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân, không làm quen, gặp gỡ với người lạ qua không gian mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ; không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè, người khác; chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, khi bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên không gian mạng...
Ảnh minh họa |
Cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ cần: Tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ trên không gian mạng, quan tâm chăm sóc, lắng nghe ý kiến của trẻ; trau dồi, cập nhật các kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; hướng dẫn con em mình các kỹ năng sử dụng thiết bị, mạng xã hội an toàn; cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm...
Trong dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu ra quy tắc cụ thể áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Theo đó, các đơn vị này cần xây dựng các nội dung truyền thông phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và tiêu chuẩn cộng đồng; luôn ưu tiên đặt lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Đặc biệt, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, nền tảng có biện pháp kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ em khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; thiết lập các công cụ kỹ thuật để rà soát, chặn lọc và loại bỏ nội dung độc hại đối với trẻ em; cung cấp và liên tục cải tiến các bộ lọc nội dung, cảnh báo, hạn chế tiếp cận thông tin phù hợp với từng độ tuổi...
Từ góc độ giáo dục, GS. TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng, quan điểm cấm trẻ em hay học sinh sử dụng internet là rất khó. Cần tạo điều kiện để trẻ hiểu đúng và làm chủ internet, mạng xã hội từ đầu. Theo đó, cần hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng internet một cách chủ động.
“Nếu việc “vẽ đường” phù hợp và tạo ra đường đi đúng để học sinh và trẻ em khai thác, tại sao không? Hướng dẫn các em thao tác, kỹ năng, chia sẻ về nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, quản lý tài khoản, ứng xử với người lạ hay các tình huống có nguy cơ, quản lý thời gian khi sử dụng internet, mạng xã hội, các biểu hiện văn hóa trên môi trường mạng, trách nhiệm của học sinh với an ninh mạng và ứng xử văn minh… Đó là những việc cần làm ngay, không thể chậm trễ”.
Bên cạnh những lợi ích tích cực như giúp mọi người trao đổi, chia sẻ thông tin, hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nghiên cứu của ThS Đoàn Thị Thu Huyền - Trường ĐH Tân Trào chỉ ra mặt trái của việc tiếp xúc với internet, mạng xã hội từ sớm khiến học sinh dễ bị sao nhãng học tập, đắm chìm trong mạng ảo… Trong đó game online là một trong những tác hại lớn nhất và phổ biến nhất của internet với học sinh. Với mạng xã hội, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu học sinh còn nhỏ mà được tự do sử dụng mạng xã hội cũng dễ bị bạo lực trên mạng, có thể bị đe dọa, tra tấn tinh thần. Ngoài ra là khả năng mất kiểm soát hành vi, khó diễn đạt cảm xúc bằng lời, khi xảy ra xung đột có khuynh hướng sử dụng những trò bạo lực bị nhiễm trên mạng…
Vì vậy, vai trò trước hết là của gia đình cần giáo dục tác dụng, tác hại của mạng xã hội, giới hạn thời gian và định hướng cho học sinh khi các em bắt đầu biết đến mạng xã hội. Về phía nhà trường, cần hướng dẫn học sinh cách khai thác thông tin tích cực để các em chủ động tham gia, phục vụ học tập, nghiên cứu chuyên môn hiệu quả. Hướng dẫn cách chọn lọc thông tin hữu ích và tránh xa những thông tin độc hại….
Hoàng Thanh