Cơ sở giáo dục linh hoạt tạo nên bộ quy tắc ứng xử mang bản sắc riêng
Để nâng cao chất lượng thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa cho nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT lồng ghép vào chương trình giảng dạy nội khoá, đưa nội dung ứng xử giao tiếp vào các chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp...
Để bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường trở nên thiết thực, từ những quy định chung theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhiều cơ sở giáo dục đã linh hoạt áp dụng, bổ sung thêm những nội dung phù hợp với đặc thù của địa phương, của đơn vị mình. Tất cả nhằm tạo nên bộ quy tắc ứng xử mang bản sắc riêng.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thì Bộ quy tắc ứng xử có thể xây dựng những quy định phù hợp với mọi đối tượng học sinh, nhà giáo dục ở các trường khác nhau. Tuy nhiên, mục đích đầu tiên của việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục là điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.
Vì vậy, để Bộ quy tắc ứng xử dễ đi vào thực tiễn, nhiều trường trên địa bàn Hà Nội xây dựng Bộ quy tắc dựa trên sự phù hợp với phong tục tập quán văn hóa của địa phương.
Ảnh minh họa |
Để thực hiện hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, thời gian qua ngành Giáo dục Hà Nội chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên cũng như nhân viên nhà trường và học sinh về công tác xây dựng văn hóa và thực hiện văn hóa trong trường học.
Cùng với đó là chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nội dung văn hóa ứng xử trong trường học bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Tăng cường quản lý nền nếp, chất lượng dạy và học trong nhà trường; Triển khai xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả mô hình phòng tham vấn học đường để nắm bắt kịp thời hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của học sinh, kịp thời có những giải pháp phù hợp.
Xây dựng môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn; Tổ chức các phong trào thi đua giữa các khối, lớp, trong toàn trường, các hoạt động trải nghiệm, văn hóa văn nghệ, TDTT, tình nguyện vì cộng đồng, tri ân, đền ơn đáp nghĩa, các câu lạc bộ phù hợp với lứa tuổi, cấp học...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa cho nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện những quy định về lời nói, hành vi trong giao tiếp, ứng xử một cách mẫu mực lồng ghép vào chương trình giảng dạy nội khoá, đưa nội dung ứng xử giao tiếp vào các chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp và các buổi hoạt động tập thể của lớp, của trường.
Hoàng Thanh