Cô giáo đánh HS lớp 1 bầm vai vì học chậm: Phản đối sự trút giật, bất lực của giáo viên!
Vừa qua, tài khoản Bao Gia đã đăng tải lên Facebook hình ảnh một bé gái là học sinh lớp 1 với nhiều vết trầy, đỏ da ở lưng và vai với dòng trạng thái: “Có ai giống con mình không? Mới vô học có nửa tháng mà cô đánh con bé như thế này…”. Nội dung này nhanh chóng thu hút nhiều bình luận bức xúc từ cộng đồng mạng.
Được biết, sự việc trên xảy ra tại Trường tiểu học Bàu Lâm (xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Sau khi nhận được tin báo từ UBND xã Bàu Lâm về việc giáo viên Trường tiểu học Bàu Lâmđánh học sinh trong giờ học, Phòng GD-ĐT và UBND huyện Xuyên Mộc đã phối hợp với Phòng LĐ-TB-XH có mặt tại trường để kiểm tra, xác minh vụ việc.
Theo đó, chiều 14/9, trong tiết học môn tiếng Việt, em H.T.Q.N chậm tiếp thu bài giảng, viết bài chậm nên cô C.T.B.T. (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A4, Trường tiểu học Bàu Lâm) không kiềm chế được bản thân, đã dùng tay đánh khiến vai trái của học sinh này bầm tím.
Chiều cùng ngày, trong lúc tắm cho em N., gia đình phát hiện một số vết bầm tím trên vai của con. Khi người nhà hỏi, em N. đã khóc, kêu đau nhức và kể lại sự việc.
Gia đình đã chụp hình vết bầm trên vai và tay của N., đăng tải hình ảnh lên Facebook, đồng thời trình báo sự việc lên nhà trường.
Tối cùng ngày, cô T. đã đến nhà em N. để xin lỗi học sinh và gia đình, hứa sẽ không tái phạm, không để xảy ra sự việc tương tự. Gia đình cháu N. đã đồng ý bỏ qua sự việc và đã gỡ bài đăng trên Facebook.
Ngày 15/9, Công an xã Bàu Lâm cũng đã mời gia đình em N. và cô T. lên trụ sở công an xã để làm việc, đồng thời đưa em N. đến cơ sở y tế khám vết thương, xác định tỷ lệ thương tật (nếu có).
Qua thăm khám, bác sĩ kết luận em N. bị vết thương ngoài da, vết đánh không gây thương tích nghiêm trọng.
Trong buổi làm việc tại Trường tiểu học Bàu Lâm, Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc chỉ đạo Ban giám hiệu trường khẩn trương tổ chức cuộc họp kiểm điểm và triệu tập Hội đồng kỷ luật, tiến hành xử lý kỷ luật cô T.
Ngày 16/9, nhà trường đã tiến hành họp kiểm điểm cô giáo đánh học sinh và triệu tập Hội đồng kỷ luật của trường để xử lý giáo viên vi phạm.
Dù biết giáo viên nóng lòng muốn học sinh tiến bộ nhưng việc đánh học sinh vì tiếp thu bài chậm là điều khó có thể chấp nhận. Bởi lẽ, nguyên nhân dẫn đến việc học sinh tiếp thu chậm thì rất nhiều: có em do khả năng hạn chế của bản thân, có em do sự lười học lâu ngày mà thành hổng kiến thức, do chưa có động cơ học tập, chưa hiểu sâu, nắm kiến thức chưa chắc chắn, thiếu tự tin,…
Vậy nên làm như thế nào để học sinh vừa tiếp thu được kiến thức cơ bản, vừa hình thành những kỹ năng cao hơn và đem lại sự tự tin cho các em trong học tập thực sự là một nỗi niềm trăn trở của người giáo viên.
Trước hết, giáo viên cần nắm lại số học sinh tiếp thu chậm của lớp mình, lập danh sách học sinh tiếp thu chậm và phân loại học sinh cần phụ đạo theo từng yêu cầu nội dung kiến thức và kỹ năng như đọc - viết, tính toán,…
Giáo viên nên dành thời gian trong các buổi sinh hoạt khối để báo cáo tình hình trong quá trình giảng dạy phụ đạo, đồng thời xây dựng kế hoạch và nội dung dạy học cho các buổi phụ đạo tiếp theo trong tháng. Tổ chức họp tổ chuyên môn, bàn bạc dân chủ trong tổ khối và cả hội đồng nhà trường để cùng thống nhất ý kiến giải pháp này.
Nói về sự việc này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc - Trung tâm tư vấn trị liệu tâm lý Hạnh Phúc (Hà Nội) cũng phản đối gay gắt hành động đánh học sinh của giáo viên chỉ vì em này tiếp thu bài chậm.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc thì việc đánh trẻ chỉ thể hiện sự bất lực của giáo viên. Ở đây giáo viên coi đó như một cách trút giận, giải tỏa cảm xúc tiêu cực của người lớn lên thân thể các em.
“Việc đánh học sinh với mong muốn học sinh tiến bộ là việc làm phản giáo dục, cần phải lên án. Nó không chỉ thể hiện năng lực sư phạm chưa tốt của giáo viên mà còn vi phạm nghiêm trọng bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường. Chẳng có trường học hạnh phúc nào mà ở đó lại có bạo lực, giáo viên lại dùng đòn roi để giáo dục học sinh.
Quá trình dạy học có vô vàn tình huống bất ngờ mà người làm công tác sư phạm bằng những kỹ năng sư phạm của mình phải cố gắng lường trước để cân bằng, và phản ứng lại một cách văn minh, phù hợp. Mục tiêu lớn nhất là để học trò nhớ lỗi chứ không phải cứ chưa tốt là dùng đòn roi”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Hoàng Thanh