Hơn 20 học sinh đứng xem, quay clip 2 nữ sinh đánh nhau: Giáo dục thế nào?
Sau vụ 2 nữ sinh đánh nhau nhưng hàng chục học sinh khác chỉ đứng xem ở Huế mới đây, nhiều người đặt ra câu hỏi là: Làm sao trị tận gốc nạn bạo lực học đường? Xử lý sao với những học sinh đánh bạn cũng như những học sinh thờ ơ đứng xem bạo lực và quay clip?
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng những học sinh đánh bạn đa số là không hiểu biết pháp luật, không ý thức được về việc làm sai và phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình như thế nào. Các em đánh bạn và có thể là cả những em chứng kiến, quay clip đều tưởng rằng việc đó là bình thường, mà không lường được hết hậu quả xảy ra với bạn và với mình.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – nguyên Chủ nhiệm khoa Giáo dục, Trưởng phòng sau đại học (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, một trong những giải pháp để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường là tăng cường hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường. Việc này sẽ giúp các em bước đầu giải quyết những mâu thuẫn, phòng tránh nảy sinh các xung đột.
Tuy nhiên, phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm không chỉ của nhà trường mà còn là của gia đình và toàn xã hội. Đối với nhà trường, cần sự chủ động, tích cực từ lãnh đạo đến giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp.
“Giáo viên chủ nhiệm là nhân lõi của vấn đề, bởi giáo viên chủ nhiệm sẽ thay cha mẹ, điều hành và quán xuyến học sinh khi ở trường. Vì thế giáo viên chủ nhiệm cần được trang bị kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề. Đồng thời, cần xây dựng mạng lưới thông tin viên để kịp thời nắm bắt những biểu hiện của bạo lực học đường và kịp thời ngăn chặn”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nói.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường cũng cần được ngành giáo dục triển khai mạnh mẽ, thường xuyên quán triệt vấn đề này với học sinh.
Trước đó, theo thông tin từ UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Công an huyện Phong Điền vừa có báo cáo UBND huyện về vụ 2 nữ sinh Trường THCS Phong Sơn đánh nhau.
Cụ thể vụ việc xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 9/9, hai nữ học sinh Trường THCS Phong Sơn gồm: H.T.P.L (SN 2009, trú tại thôn Sơn Bồ, xã Phong Sơn) và T.T.T.M (SN 2009, trú tại thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn) xảy ra xích mích nên hẹn nhau đến đoạn đường liên thôn phía sau Trường THCS Phong Sơn để đánh nhau.
Trong lúc 2 nữ sinh này đánh nhau, có 21 học sinh của THCS Phong Sơn đứng xem, trong đó 3 học sinh dùng điện thoại quay lại video diễn biến vụ việc.
Sau khi nhận được tin báo về sự việc, Công an huyện Phong Điền chỉ đạo Công an xã Phong Sơn khẩn trương vào cuộc làm rõ. Cơ quan công an đã phối hợp với Ban giám hiệu, giáo viên của Trường THCS Phong Sơn và Trường THCS Phong An mời các học sinh cùng phụ huynh có liên quan đến làm việc, gắn trách nhiệm đối với 2 phụ huynh của 2 nữ học sinh đánh nhau trong công tác quản lý và giáo dục con em mình.
Tại buổi làm việc, cơ quan công an yêu cầu các học sinh xóa, gỡ bỏ các video đã quay trong điện thoại về vụ việc đánh nhau giữa 2 nữ học sinh, không để phát tán trên không gian mạng.
Hiện Công an xã Phong Sơn đang củng cố hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định pháp luật.
Được biết, Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương thực hiện rất ráo riết Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” nhất là giai đoạn 2020-2025.
Hoàng Thanh