Chuyện về những chú chó nghĩa tình ở Trường Sa
Nhắc đến Trường Sa người ta thường nghĩ đến một nơi xa tít tắp với những hòn đảo cô đơn ngoài biển cả, cùng những người lính hải quân dạn dày sương gió và các loài chim biển. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, bởi ngoài chim biển ra thì nơi đây cũng có những con vật rất thân thuộc với đất liền.
Ở giữa điệp trùng sóng gió, những con vật không chỉ là để canh giữ hay làm thực phẩm. Nó đã trở nên thân thương, gắn bó hơn rất nhiều vì mang trong mình hình bóng của đất liền, nơi cách xa vạn dặm.
Loài vật đầu tiên phải nhắc tới là những chú chó. Khắp các đảo trên quần đảo Trường Sa đều có loài vật này, với số lượng từ hơn 10 con tại các đảo chìm, đến hàng chục con ở các đảo nổi. Ở đây các chú chó đã trở thành một phần không thể thiếu của Trường Sa.
Một chú chó trên đảo Cô Lin ngẩn ngơ nhìn theo chiếc xuống chở đoàn công tác rời đảo... |
Có lẽ vì quanh năm sống ngoài đảo nên đàn chó ở đây cũng "thèm hơi" của đất liền không kém những người lính đang chăm chúng. Chính vì thế mà mỗi khi có đoàn khách ra thăm nhiều chú hớn hở tới mức ùa ra sóng mà vẫy tít đuôi mừng đón, dù toàn những người xa lạ.
Nếu như ở trong bờ chúng chỉ phải đối mặt với trộm, hoặc tranh giành lãnh địa với đồng loại, thì ở đây chúng còn phải đối mặt với những kẻ thù còn nguy hiểm hơn thế. Tuy nhiên bằng sự tinh khôn của mình, chúng chưa bao giờ làm lính đảo thất vọng.
"Cùng là tiếng sóng xô bờ đánh "oạp" nhưng nó biết rõ cái nào là do sóng, cái nào là do người tạo ra. Mỗi khi anh em đi tuần thế nào cũng có vài con chạy theo. Có chúng nó vừa vui lại vừa yên tâm" - một người lính tâm sự.
Cùng với chó tại Trường Sa còn có nhiều loài vật khác, nhưng phổ biến nhất vẫn là heo, gà vịt. Không được "quý" như các chú chó vì những những con vật này được nuôi để cung cấp "nguồn protein tươi" vẫn luôn thiếu thốn ở đảo, nhưng chúng cũng trở lên rất thân thuộc với bộ đội trên đảo.
"Cả đảo có vài chục mét vuông nên quanh ra quanh vào là gặp chúng nó, đôi khi thịt một con mà hôm sau không thấy nó nữa là cũng buồn buồn rồi. Nó gắn bó với mình quá mà". - một chiến sĩ trên đảo chìm tâm sự.
Trong đoàn công tác ra Trường Sa mới đây, nhiều vị khách - nhất là phụ nữ vẫn lưu luyến hoài mấy con vật này. Tới mức có người đã ngồi "tỉ tê tâm sự" và luôn miệng hỏi "tao mang về đất liền nhé!". Không biết chú chó có hiểu không, mà sau đó lúc xuồng rời đi nó đã chạy cùng ra tận mép nước rồi đăm đắm nhìn theo...
Cùng chung sống trong không gian chật hẹp nên cả đàn chó đều nằm dưới sự chỉ huy và "chấp hành nghiêm mệnh lệnh" của một con đầu đàn. |
Chó ở đây có rất nhiều loại vì được thường được chuyển qua lại giữa các đảo để tránh giao phối cận huyết. |
Những chú chó ở đây rất dạn nước vì thường xuyên bới dưới biển, thậm chí chúng bắt được cả cá. |
Giống bộ đội trên đảo, những chú chó này cũng thiếu thốn đủ đường. |
Sau khi quấn quýt với đoàn khách được mấy tiếng, đàn chó lại buồn rầu nhìn họ ra đi. |
Những chú chó chạy ra tận mép sóng để "tiễn" đoàn. |
Một chú mèo trên đảo Cô Lin. Do mới được chuyển từ đất liền ra nên chú mèo này chưa được tự do ra ngoài. |
Một trong những vật nuôi phổ biến ở đây nữa là vịt. Trên các đảo chìm những chú vịt này còn được thả để bơi, bắt cá nhỏ quanh đảo. |
Tại các đảo nổi heo được thả rông để kiếm thêm thức ăn. Do không ăn các loại cám tăng trọng nên thịt heo ở đây rất săn chắc, thơm ngon. |
Trong khi đó ở đảo chìm thì chúng có không gian hẹp hơn rất nhiều... |
... thậm chí là nằm ngay giữa lối đi. |
Tại quần đảo Trường Sa chỉ duy nhất có đảo Song Tử Tây nuôi được bò. Tuy nhiên vào những tháng mùa khô hiện nay thức ăn cho chúng rất khan hiếm, đến mức chúng tìm ăn cả bìa các-tông, thậm chí là cả quần áo, túi nilon. |
Mộ bò mẹ đang cho bê con bú trên đảo Song Tử Tây. |
Một chú gà tìm được nơi ấp trứng lý tưởng trong một hốc cây khô. |
Hình ảnh thú vị khiến đạo diễn Trần Ngọc Phong (đạo diễn phim Những nẻo đường phù sa) phải tìm bằng được để chụp hình cùng. |