'Dọn' tin xấu, độc trên MXH: Đừng “đúng không dám like, sai không dám còm”
Trao đổi với phóng viên Infonet về thực trạng tin xấu, độc trên mạng xã hội hiện nay, PGS. TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, mạng xã hội phản ánh đời sống thực, cũng giống như trong đời sống xã hội thực bao giờ cũng có nhiều luồng ý kiến, nhiều kiểu tin.
“Chúng ta phải nhìn thấy việc xuất hiện tin xấu, độc là một thực tế. Tin độc trên mạng cũng như cách truyền thông rỉ tai nhau trong nhóm người nhưng mạng xã hội là nơi bày ra, kết nối làm cho người ta dễ nhận biết”, PGS. TS Nguyễn Văn Dững nói.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Dững, tin xấu, độc ở trên mạng xã hội có nhiều loại. Thứ nhất là những tin xuyên tạc với luận điệu sai trái về quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước dựa trên cái nhìn phiến diện về một số khó khăn trong đời sống.
Loại tin xấu, độc thứ hai ở trên mạng xã hội là nhằm vào những vụ tiêu cực, đặc biệt là những vụ án mà các cơ quan chức năng đang điều tra, truy quét… Các thế lực thù địch dựa vào đó mà suy diễn xuyên tạc.
Loại tin xấu, độc thứ ba là đưa tin sai lệch, tạo ra những tin giả, giật gân để câu view, câu khách. Đặc điểm những thông tin này thường “có bé xé ra to, có ít xuýt ra nhiều”, thậm chí tạo ra những tin đồn giả mạo làm cho cộng đồng, dư luận phân tâm.
Đấu tranh chống lại những tin xấu, tin độc hại, tin tiêu cực trên mạng xã hội theo PGS. TS Nguyễn Văn Dững có nhiều cách, nhiều kênh và phải làm thường xuyên liên tục.
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên được đặt lên “vai” báo chí chính thống. Lực lượng này phải tăng cường cung cấp thông tin chính thức, chính thống một cách nhanh chóng và kịp thời.
“Báo chí cũng phải bám vào những sự việc, sự kiện mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố như những vụ tiêu cực lớn, những vụ trọng án để thông tin, bình luận, phân tích thể hiện quan điểm rõ ràng của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân. Từ đó báo chí tích cực lên án, chỉ trích những hiện tượng tham ô, tham nhũng, làm rõ đó là quá trình bắt sâu, rẫy cỏ để vườn cây xanh tốt, là việc làm bình thường chứ không phải như luận điệu của thế lực thù địch công kích.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tin tức trên báo chí còn đang chậm so với mạng xã hội, công tác đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc chưa trực diện, đạt hiệu quả cao”, PGS. TS Nguyễn Văn Dững cho hay.
Nhiệm vụ thứ hai theo PGS. TS Nguyễn Văn Dững chính là các cơ quan nhà nước, các cán bộ công chức, viên chức, những người làm trong hệ thống chính trị cần "tích cực hoá" các thông tin trên các tài khoản mạng xã hội của mình.
“Hiện nay cái này đang yếu. Phần đông cán bộ ít tham gia vào công cuộc định hướng, phản bác thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Nhiều cán bộ, công chức đang lờ đi không nói gì, tham gia mạng xã hội theo kiểu “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”, thậm chí “mũ ni che tai”.
Họ không nói ra vì sợ đụng chạm. Họ biết nhiều vấn đề tiêu cực, nhiều thông tin xấu, độc nhưng không phê phán, không dám bình luận, đúng theo nghĩa “đúng không dám like, sai không dám comment”.
Cho nên vô hình trung chúng ta nhường “trận địa” này cho những thông tin xấu, độc. Trong khi đó, mạng xã hội lại có đất cho thông tin xấu, độc tồn tại, có chỗ để người ta bàn tán. Đây là điểm yếu chết người.
Vì vậy chúng ta cần tích cực bảo vệ hệ thống chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ sự nghiệp an bình bằng ngôn luận của chính mình”, PGS. TS Nguyễn Văn Dững bày tỏ.
PGS. TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, đời sống số của chúng ta ngày nay khá phức tạp. Trên thế giới có những hãng truyền thông lớn còn đưa tin giả để triệt hạ đối phương. Do đó, việc đấu tranh thông tin, đấu tranh tư tưởng trên nền tảng số ngày càng phức tạp hơn. Để đấu tranh chống tin xấu, tin độc trên mạng xã hội nói riêng, trong truyền thông xã hội nói chung đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, các cấp ngành để cho dân chúng thấy luồng thông tin tích cực lấn át những tin xấu độc, tiêu cực.
N. Huyền