Bí kíp giúp trẻ an toàn trước thông tin xấu, độc trên không gian mạng
Mạng xã hội thời gian qua liên tiếp “nổi sóng” với những clip trẻ em bị bạo hành, học sinh đánh nhau, các bạn gái trẻ bị "lộ hàng"… được chia sẻ với nhiều bình luận khiếm nhã. Thậm chí, nhiều người dùng còn truy lùng được cả tài khoản Facebook của cá nhân của các em (nạn nhân/kẻ chủ mưu) buông những lời sắc mỏng. Vậy nên câu hỏi làm cách nào để bảo vệ con trẻ an toàn trên không gian mạng là băn khoăn của không không ít các bậc phụ huynh.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quốc Hưng - Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định, việc đăng tải hình ảnh trẻ em là vi phạm Luật trẻ em thì có thể xử lý theo các quy định của Bộ luật Dân sự, tức yêu cầu bồi thường thiệt hại từ sự chứng minh hợp lý của người yêu cầu, xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi đăng tải hình ảnh trẻ em đã gây ra thiệt hại.
Việc xử lý đối với hành vi này không chỉ căn cứ vào quy định Luật trẻ em năm 2016, mà còn căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự... Có như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em mới được bảo đảm.
Tuy nhiên làm sao để hạn chế những clip bạo lực xuất hiện trên mạng xã hội thì theo luật sư cần yếu tố kỹ thuật. Xuất phát từ đặc điểm của không gian mạng chính là không giới hạn khoảng cách, xóa bỏ rào cản địa lý và cập nhật thông tin nhanh chóng, do đó chủ thể có chức năng nhiệm vụ liên quan đến an ninh mạng cần phải có quy trình kiểm soát thông tin đầy đủ và chặt chẽ.
Quy trình này có thể là vấn đề đặt máy chủ, chặn IP, chặn mã độc, kiểm soát chéo giữa các cơ quan và đặc biệt thiết lập các phương án lập trình tự động phát hiện thông tin xấu để ẩn và xóa bỏ ngay từ khi chia sẻ.
“Một trong những phương thức để hạn chế sự xuất hiện của những clip bạo lực trẻ em xuất hiện trên mạng xã hội chính là việc tác động trực tiếp lên nền tảng ứng dụng mà các bé thường xuyên truy cập trên không gian mạng. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có Youtube có phiên bản “Youtube Kid” còn các trang mạng xã hội khác chưa có.
Do đó, cần phải thiết lập các ứng dụng dành riêng cho trẻ em sử dụng mà trong đó sẽ cung cấp nguồn thông tin phù hợp với từng lứa tuổi và nhận thức của trẻ”, luật sư Quốc Hưng bày tỏ.
Ngoài “hàng rào” kỹ thuật, luật sư cũng cho rằng rất cần có sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng, gia đình và xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Bên cạnh việc kiểm soát thông qua giới hạn độ tuổi, nội dung bằng cách sử dụng ứng dụng video dành riêng cho trẻ em, các phụ huynh cũng cần sát sao hơn trong việc tìm hiểu thế giới nội tâm, nhu cầu tâm lý của trẻ để có những biện pháp giáo dục, định hướng kịp thời và phù hợp nhất, giúp trẻ tránh được những nguy cơ, ảnh hưởng từ các video có nội dung độc hại đang bị phát tán tràn lan trên mạng xã hội hiện nay.
“Tình trạng trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng hiện nay diễn ra khá phổ biến, với nhiều hình thức tinh vi và khó kiểm soát. Trước thực trạng này, các cơ quan nhà nước cũng như mọi tổ chức, cá nhân cần có trách nhiệm và sử dụng nhiều phương thức nhằm bảo vệ có hiệu quả nhất trẻ em trên không gian mạng, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay.
Để bảo vệ được trẻ em nói chung và trẻ em trên không gian mạng nói riêng, Nhà nước cần phải có các quy định trong Hiến pháp, Luật, văn bản dưới luật, trong đó quy định thật cụ thể về bảo vệ trẻ em trên các phương diện: mạng Internet; cơ sở dữ liệu, mạng viễn thông,… Nhà nước cần quy định rõ các chủ thể có trách nhiệm trong việc bảo vệ cũng như quy định một cách đầy đủ và chi tiết hơn về nội dung bảo đảm, phương thức bảo vệ trẻ em…”, luật sư Quốc Hưng bày tỏ.
Ông Hưng cũng cho rằng bên cạnh có hệ thống pháp luật hoàn thiện, việc tổ chức thi hành pháp luật luôn cần thiết phải được quan tâm. Thông qua nhiều cách thức tổ chức pháp luật cụ thể như tuyên truyền, phổ biến pháp luật; theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện; giám sát, thanh tra, kiểm tra, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng,...
Ngoài ra, cần giáo dục ý thức cho trẻ em về việc sử dụng điện thoại hay các trang mạng xã hội đúng mục đích và khả năng mạnh dạn lên tiếng khi bị xâm hại.
N. Huyền