Tuyển lao động ‘việc nhẹ lương cao’: Chiêu thức núp bóng của tội phạm mua bán người
Chị Puih Niêng (sinh năm 1992, trú tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết, em trai chị là Puih Đại cùng 6 người bạn của Đại cùng làng đã bị lôi kéo đi làm việc tại các tỉnh phía Nam sau đó bị lừa bán sang Campuchia. Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động. Những người này muốn trở về nước phải bỏ ra 120-150 triệu đồng chuộc thân. Đây là hành vi mua bán người với thủ đoạn lừa người đi lao động nước ngoài.
Mà đối tượng liên quan đến vụ việc này được xác định chính là Trần Quang Quyết (SN 2001, trú xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Quyết từng 2 lần là “nạn nhân” của chiêu thức “việc nhẹ, lương cao” vào tháng 11/2021 và tháng 4/2022. Để thoát khỏi bọn buôn người, gia đình Quyết phải mất tiền “chuộc” 170 triệu đồng.
Thế nhưng, khi được gia đình chuộc về nước rồi, Quyết vẫn bị người bên casino ở Campuchia dụ dỗ, nếu tuyển được lao động thì sẽ trả công cho Quyết 700 USD/người. Dù biết đây chỉ là chiêu thức dụ dỗ của bọn buôn người nhưng thông qua mạng xã hội, Quyết đã dụ dỗ anh Puih Đại và 6 người khác nữa gồm: Puih Môi (SN 2004), Ksor Jối (SN 2004), Puih Chiêu (SN 2003), Ksor Gum (SN 1999), Puih Thái (SN 1994) và Puih Phú (SN 2006) vào các tỉnh phía Nam làm việc, nhưng thực chất là lừa bán sang Campuchia. Thông qua việc bán người sang Campuchia, Quyết thu lợi bất chính 128 triệu đồng.
Đây là vụ việc điển hình vừa mới xảy ra tại tỉnh Gia Lai được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai xác lập chuyên án và triệt phá thành công vào tháng 8/2022 vừa qua.
Tuy nhiên, chiêu thức “việc nhẹ, lượng cao” của tội phạm buôn người không chỉ mới xuất hiện thời gian này mà trước đây, ở vùng biên giới phía Bắc, chiêu trò này cũng đã được các đối tượng buôn người sử dụng để dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin.
Như tại Hà Giang, trường hợp của chị Vàng Thị Ch. (SN 1987 ở Hà Giang) cũng là một trong những nạn nhân bị các đối tượng mua bán người dụ dỗ sang Trung Quốc làm “việc nhẹ, lương cao”.
Theo lời chị Ch. kể thì lúc đó, một người quen của chị Ch. Qua mạng xã hội Facebook hứa hẹn nên chị Ch. đã đồng ý. Ai ngờ vừa bước chân qua biên giới thì chị Ch. đã bị các đối tượng bán làm vợ cho 1 người đàn ông Trung Quốc.
Cũng giống trường hợp chị Ch, chị S.T.X (SN 2002, dân tộc Mông, ở Hà Giang) cũng chia sẻ, chị cũng bị kẻ xấu dụ dỗ với chiêu trò sang Trung Quốc làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng khi sang đến nơi, “việc nhẹ, lương cao” chưa thấy đâu thì chị X. mới phát hiện ra mình đã bị bán cho người khác làm vợ.
Tương tự, chị L.T.D. ở Mộc Châu (Sơn La) kể, năm 2018, chị được 1 đối tượng cùng quê rủ sang Trung Quốc làm thuê với công việc nhẹ nhàng nhưng lương cao nên chị đã tin tưởng đi theo. Ai ngờ sau khi chị D. sang Trung Quốc mới phát hiện mình đã bị bán cho một người đàn ông để làm vợ.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, bà Tráng Thị Xuân, thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều nước đóng cửa biên giới để hạn chế lây lan dịch bệnh. Chính vì thế, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Do đó, các đối tượng đã đánh trúng tâm lý người dân, lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân lên sát biên giới, để bán ra nước ngoài với mục đích bóc lột sức lao động.
Theo thông tin từ BĐBP Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng BĐBP tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 2 đơn trình báo của người dân liên quan đến tội phạm mua bán người. Thời gian gần đây, phát hiện nhiều trường hợp nạn nhân đi làm thuê tại các tỉnh miền xuôi, tuy nhiên bị lừa bán sang nước láng giềng để bóc lột sức lao động.
Nguyễn Vũ