Bộ Y tế tích cực triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Cả nước hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động và hơn 30 ví điện tử có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt.
Bộ Y tế tích cực triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt |
An toàn, thuận tiện
Việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí khám chữa bệnh không dùng tiền mặt tại các bệnh viện trên cả nước được thực hiện theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Chỉ thị số 12/CT-BYT của Bộ Y tế ngày 2/10/2019 về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Trong đó Thủ tướng yêu cầu, trước ngày 1/7, Bộ Y tế đã phải hoàn thành việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại BV Hữu Nghị Việt Đức, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc cho biểt, việc triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp người bệnh khi đi khám có nhiều kênh lựa chọn theo nhu cầu của mình, phù hợp với từng vùng miền và điều kiện tiếp cận công nghệ. Chỉ cần thao tác đơn giản, người bệnh, người nhà người bệnh đã có thể thanh toán ngay viện phí mà không cần phải xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản hóa thủ tục, không cần phải đem một lượng tiền mặt lớn.
“Người bệnh mỗi lần đến bệnh viện khám bệnh, nộp tiền, thanh toán tiền rất mệt, đôi khi phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ. Mang tiền mặt theo người là sự bất tiện và không an toàn với người bệnh, vì vậy thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thuận tiện cho người bệnh không phải chờ đợi lâu với thủ tục đơn giản.
Về phía bệnh viện, đây là bước tiến lớn, góp phần minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn” – Lãnh đạo BV cho hay.
Trong khi đó, với đối tượng bệnh nhân đến khám bệnh chủ yếu là người cao tuổi, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng đã triển khai việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt từ năm 2018. Tại các quầy thanh toán đều được trang bị đầy đủ máy quẹt thẻ để người dân dễ nhận biết và thanh toán viện phí qua thẻ.
Tuy nhiên qua thực thế, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng Tài chính, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, do đối tượng bệnh nhân tới bệnh viện khám bệnh chủ yếu là người già, người cao tuổi nên việc sử dụng thẻ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nhiều người vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt.
Do đó, bà Thủy cho biết, phía bệnh viện cũng đã tăng cường nhân lực nhằm hỗ trợ người bệnh khi thực hiện thanh toán viện phí bằng thẻ.
Gần 14.000 cơ sở y tế đều có sử dụng tài khoản ngân hàng
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động và hơn 30 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như thanh toán bằng chuyển khoản qua dịch vụ của ngân hàng, qua máy đọc chấp nhận thẻ POS, qua mã phản hồi nhanh QR Code, qua mã hóa đơn thanh toán, thẻ thanh toán nội bộ của bệnh viện, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, tiền di động mobile money...
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Y tế cần quán triệt sâu sắc về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Xây dựng kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí.
Các bệnh viện, cơ sở đào tạo y, dược phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí như: thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử…
Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, đời sống của người dân.
Theo Bộ Y tế, hiện trên cả nước Gần 14.000 cơ sở y tế đều có sử dụng tài khoản ngân hàng.
H. Anh