Bộ Y tế kiến nghị cần có giải pháp để ngăn chặn buôn lậu thuốc lá điện tử
Thay vì hút thuốc lá truyền thống, nhiều học sinh đã chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử.
Bộ Y tế đề nghị xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử |
Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành có xu hướng tăng (từ 0,2% năm 2015 lên 0,7% năm 2020), trong đó, nam giới tăng từ 0,4% năm 2015 lên 1,2% năm 2020.
Điều tra sức khỏe học đường tại Việt Nam năm 2019 cho thấy 2,6% học sinh trong độ tuổi 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử) được ngành công nghiệp thuốc lá quảng cáo và giới thiệu với các thông tin không đầy đủ, sai sự thật và gây nhầm lẫn cho người sử dụng rằng các sản phẩm thuốc lá mới là sản phẩm ít hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường và là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống, với mục tiêu mở rộng việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là hướng tới giới trẻ.
Điều này được thể hiện dựa trên số lượng bắt giữ của các lực lượng chức năng như hải quan, quản lý thị trường… Theo đó, trong năm 2020, những đơn vị trên đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm.
Cụ thể, tháng 11/2020, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá vụ buôn lậu thuốc lá điện tử lớn nhất từ trước tới nay, lên tới 12.000 sản phẩm; Hải quan TP Hồ Chí Minh thu giữ 4 kiện thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo ghi nhận, các cơ quan chức năng cũng còn “lúng túng” khi xử lý tình trạng này: Với thuốc lá truyền thống thì tại Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP hành vi buôn bán 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị xử phạt mức cao nhất 3 triệu đồng. Nhưng với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu, cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ và địa phương tăng cường quản lý việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Trong đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng...
Còn theo Bộ Y tế, sự xuất hiện của sản phẩm thuốc lá điện tử hướng tới người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Do đó, nguy cơ để đảm bảo các mục tiêu quốc gia liên quan đến giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe và chất lượng giống nòi trước tác hại của thuốc lá sẽ không đạt được.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế cho rằng cần có cơ chế chính sách để quản lý và ngăn chặn nhập lậu mặt hàng này. Về phía Bộ Y tế tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ.
Nicotine có thể khiến người trẻ tuổi gặp nguy cơ rối loạn tâm trạng, giảm kiểm soát xung động và tác động tiêu cực đến các phần của não chịu trách nhiệm về ghi nhớ và học tập. Nicotine có trong thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và thậm chí là mắc bệnh về tim mạch. Trên thực tế, nghiên cứu còn cho thấy những người dùng thuốc lá điện tử có khả năng bị đau tim gần gấp đôi so với người không sử dụng.
Thuốc lá điện tử không chỉ gây ảnh hưởng đến người lớn, thanh thiếu niên mà còn ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ.
H. Anh