Gia tăng người mắc bệnh dại, cách nào để phòng ngừa?
Nếu như giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm nước ta có 76 người tử vong do mắc bệnh dại thì năm nay tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là “điểm nóng”.
Bộ Y tế khẳng định, hiện bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm nước ta có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016. Tuy nhiên, năm nay bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.
Trong đó, tỉnh Bến Tre ghi nhận 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021), tỉnh Kiên Giang ghi nhận 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ghi nhận ca tử vong).
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại.
Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp. Công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
PGS. TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - BV Bạch Mai nhấn mạnh, bệnh dại từ xưa đến nay luôn để lại nỗi ám ảnh, hoảng sợ trong dân chúng bởi khi đã lên cơn dại thì không có thuốc chữa, 100% tử vong (cả người và động vật- PV).
Bệnh thường trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập. Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ.
Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.
Vẫn theo PGS. TS Đỗ Duy Cường, triệu chứng điển hình của bệnh dại thể hung dữ (sợ nước, sợ gió, tiết đờm rãi, có tiếng thít thanh quản khi uống nước hoặc quạt gió, mất ngủ, bồn chồn, cương dương xuất tinh ở nam giới), hoặc thể liệt “hướng thượng” (liệt 2 chân rồi liệt tứ chi). Kết cục vẫn là người mắc dại tử vong tối đa sau 1-2 tuần.
Để phòng bệnh dại, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt việc sau:
Xử lý vết thương: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.
Ngoài ra, cần bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu: Dùng vắc xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng dại (HTKD) để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng. Không được lạm dụng trong sử dụng vắc xin và HTKD.
Bộ Y tế tăng cường công tác phòng chống bệnh dại Ngày 29/9, Bộ Y tế có văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại. Theo Bộ Y tế, nguy cơ bùng phát bệnh trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vaccine dại kịp thời. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Ngoài ra, để tăng cường tiếp cận của người dân với vắc xin và huyết thanh kháng dại trên người, Sở Y tế tiếp tục mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vắc xin phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm. Đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vắc xin tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết). Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vắc xin phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người tham gia phòng chống dịch ở những vùng có nguy cơ cao. |
N. Huyền