Bắc Ninh: Đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường
Ngày 29/7, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã tổ chức Hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu trung tâm Trường THPT Chuyên Bắc Ninh tới gần 200 điểm cầu các trường THCS, các đơn vị trực thuộc và trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Hội thảo là dịp để các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh, học sinh có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận về việc xây dựng môi trường văn hóa học đường hiện nay, trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo
Nội dung các bài tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo tập trung chủ yếu vào các nhóm nhiệm vụ: Nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường, xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển văn hóa học đường trong giai đoạn hiện nay.
Toàn cảnh hội thảo |
Cùng với đó là đánh giá thực trạng môi trường văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh những năm qua; Văn hóa học đường từ các mối quan hệ trong/ngoài nhà trường; Văn hóa học đường, góc nhìn của cán bộ quản lý, phụ huynh và học sinh.
Văn hóa học đường gắn với các giá trị truyền thống: giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho học sinh, sinh viên; giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương; lan tỏa tình yêu Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập; Mô hình trường học hạnh phúc; Văn hóa ứng xử trường học theo tiếp cận giáo dục đa văn hóa; Vấn đề ứng xử trên môi trường mạng; Xây dựng hệ giá trị nhà trường; Văn hóa trong dạy học trực tuyến cũng như đề xuất một số giải pháp khác nhằm nâng cao chất lượng văn hóa học đường đáp ứng thực tế trong giai đoạn hiện nay.
Những thông tin, kinh nghiệm, cách làm hay về xây dựng văn hóa học đường được chia sẻ tại Hội thảo sẽ là cơ sở hữu ích để ngành Giáo dục Bắc Ninh trong quá trình thúc đẩy xây dựng, phát triển giáo dục nói chung và văn hóa học đường nói riêng trong thời gian tới. Qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn khơi dậy sự quan tâm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội về thực trạng văn hóa học đường, đề xuất giải pháp xây dựng văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu tham luận, thảo luận trong Hội thảo. Đồng thời, đồng chí cũng đề xuất một số giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới như sau:
Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa học đường trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho HSSV và xây dựng xã hội học tập.
Ba là, xây dựng và triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Chú trọng giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống giải quyết mâu thuẫn. Cung cấp cho học sinh, sinh viên các kỹ năng ứng xử văn hóa, tạo môi trường học tập lành mạnh, trau dồi các kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng.
Bốn là, chỉ đạo, thực hiện nghiêm công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ; phát triển cho HSSV những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.
Năm là, xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giảng dạy, giáo dục học sinh với phương châm “Học để biết - Học để làm - Học để chung sống”.
Sáu là, quan tâm xây dựng mối quan hệ con người với con người; con người với tự nhiên trong môi trường giáo dục; phát huy vai trò nêu gương của người thầy, bảo đảm mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo; đạo đức, lối sống, ý chí phấn đấu, khát vọng cống hiến.
Bảy là, đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui; chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường.
Tám là, các đơn vị trường học cần ưu tiên bố trí nguồn lực, cải tạo cơ sở vật chất thực hiện các chương trình liên quan đến xây dựng văn hóa học đường. Xây dựng kế hoạch phối hợp sử dụng các thiết chế văn hóa, các công trình thể thao (sân chơi, bãi tập,..) trên địa bàn hiệu quả; chú trọng tổ chức hoạt động tìm hiểu, chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách.
Hoàng Thanh