Bà Phương Hằng bị gia hạn tạm giam: Dùng MXH thế nào để tránh rơi vào vòng lao lý?
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM mới đây đã ra lệnh tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) thêm 2 tháng để điều tra bổ sung theo yêu cầu của VKSND TP.HCM. Như vậy tính từ thời điểm bị bắt tạm giam (24/3) đến nay, bà Hằng bị gia hạn tạm giam nhiều lần để phục vụ điều tra.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Công ty Luật TNHH Hiệp Thành, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Vì vậy, VKSND TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể gia hạn tạm giam khi xét thấy việc tiếp tục tạm giam bà Phương Hằng là cần thiết để phục vụ quá trình điều tra vụ án hoặc nhận thấy không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam.
“VKSND TP. Hồ Chí Minh gia hạn tạm giam với bà Phương Hằng là phù hợp quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015”, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, theo quy định của pháp luật, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019, Điều 15 Luật An ninh mạng đã quy định cụ thể 5 nhóm thông tin trên không gian mạng bị coi là vi phạm pháp luật, bao gồm: Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Đồng thời, theo Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng có những quy định về vấn đề này.
“Có thể khẳng định, hành vi đăng tin, bình luận sai sự thật, lăng mạ, bôi nhọ, làm nhục người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự .
Về xử phạt hành chính, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (điều 155) hoặc Tội vu khống (Điều 156) BLHS 2015”, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh thông tin.
Qua trường hợp này, Luật sư Tuấn Anh cũng nhấn mạnh thẩm quyền quản lý những nội dung, hoạt động trên mạng Internet, mạng xã hội thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông và Sở Thông tin -Truyền thông các địa phương. Do vậy, khi cá nhân bị xâm hại danh dự, nhân phẩm cần có đơn khiếu nại gửi đến đơn vị này hoặc cơ quan công an nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Đặc biệt, đối với người sử dụng mạng xã hội, mỗi cá nhân cần hết sức thận trọng khi đăng tải, chia sẻ, bình luận về những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh việc tự đẩy mình vào vòng lao lý.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia truyền thông tư vấn, người dùng mạng xã hội không nên chia sẻ vấn đề gì lên mạng xã hội khi tâm lý đang không ổn định như giận dữ, thất vọng hoặc bị kích động. Những khi gặp vấn đề, chúng ta nên chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc những người xung quanh để có cách giải quyết trực tiếp và phù hợp hơn.
Liên quan đến vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng, theo kết luận điều tra, bà Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, tổ chức nhiều buổi livestream qua mạng tại TP. HCM để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni).
Đồng thời, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bà Hằng cũng công khai xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Đức Hiển (phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP. HCM), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh trong các buổi livestream tại Bình Dương.
N. Huyền