PCT Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí nên đưa 70% thông tin tích cực, người tốt việc tốt!
Trao đổi với phóng viên Infonet về những vấn đề nóng trên báo chí hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng khi người dân sống trong thời đại bùng nổ thông tin, có nhiều nguồn thông tin để tiếp cận thì giữa một rừng thông tin như thế không phải thông tin nào cũng là thông tin chính xác, phản ánh chân thực mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đất nước.
“Thực tế là trong rừng thông tin hỗn loạn đó, công chúng cũng rơi vào hoang mang, mất phương hướng và bị dẫn dắt bởi những thông tin không đúng, thông tin xấu độc, thậm chí cả thông tin phản động”, ông Lợi thẳng thắn nhìn nhận.
Trong bối cảnh như vậy, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh báo chí chính thống, báo chí cách mạng nước ta đã và đang thể hiện vai trò cung cấp thông tin chính xác, chính thống cho công chúng, thông tin được xác thực, thông tin được thẩm định và trong một số trường hợp, nhiều bối cảnh thông tin đó có tính định hướng, dẫn dắt dư luận đi vào tiếp cận thông tin một cách chính xác, hiểu đúng, hiểu đủ bản chất của các vấn đề các sự kiện trong đời sống xã hội. Đây cũng chính là vai trò mà báo chí chính thống phải gánh vác.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi |
Theo ông Lợi, báo chí luôn được xem là một quyền lực trong xã hội bởi sứ mệnh của báo chí là đưa những thông tin cần thiết đến cho công chúng, từ đó hình thành nên nhận thức, chi phối hành vi, ứng xử của mỗi người trong xã hội.
Để tạo dựng niềm tin trong xã hội, thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường, ông Đỗ Đức Lợi thẳng thắn cho rằng “báo chí cần phải nhìn lại, sửa mình”. Bởi thời gian qua, báo chí đã làm tốt vai trò cung cấp thông tin chính xác, định hướng dư luận nhưng cần làm tốt hơn nữa, khắc phục những vấn đề còn tồn tại để góp phần tạo dựng niềm tin trong xã hội.
Theo đó, báo chí cần khắc phục việc đưa quá nhiều nội dung tiêu cực chiếm sóng, chiếm thời lượng, chiếm diện tích quá nhiều trên các đài phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử.
“Rõ ràng xã hội chúng ta không phải nhiều mảng tối như vậy. Một xã hội đã đi lên với nhiều mảng sáng rất tốt nhưng báo chí ngại hoặc ít đưa, dành thời lượng, dung lượng trên mặt báo ít… Điển hình là việc đưa những tấm gương tốt trong xã hội. Theo tôi, nếu không đưa được những tấm gương tốt thì không thổi bùng lên được khát vọng phát triển, khát vọng hùng cường”, ông Lợi chia sẻ.
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng các cơ quan báo chí nên khôi phục lại những chuyên mục có tác động lan toả mạnh mẽ mà một thời tờ báo nào cũng “dành đất” như gương người tốt, việc tốt, lời hay, ý đẹp, việc tử tế, tấm gương lao động, những câu chuyện ý nghĩa....
“Tôi nhớ, ngày trước chúng ta có những cuốn sổ tay tập hợp những tấm gương người tốt, việc tốt có tác dụng rất lớn. Cũng như thời điểm đó hầu như các báo đều dành một dung lượng nhất định cho việc viết về những tấm gương người tốt, việc tốt như thế. Việc làm này tạo ra một bầu không khí phấn khởi, tươi sáng hơn”, ông Lợi nhấn mạnh.
Việc đưa những thông tin tích cực như thế theo ông Lợi không phải "tô hồng” mà là phản ánh đúng xã hội. Báo chí có vai trò dẫn dắt nên việc báo chí dẫn dắt dư luận đến những điều tốt, việc tốt hay hơn nhiều việc dẫn dắt, đưa người dân đến những vấn đề tiêu cực, chuyện xấu, mảng tối làm cho đời sống tinh thần của xã hội u ám.
Cuối cùng, ông Lợi khẳng định: "Các đài phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử nên hạn chế đưa quá nhiều lượng tin tiêu cực, sắp xếp tỷ lệ 70/30, trong đó 70% là thông tin tích cực, 30% phản biện đấu tranh các vấn đề tiêu cực. Nếu làm được điều này thì chắc chắn báo chí sẽ làm tốt vai trò tạo dựng niềm tin trong xã hội, là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng. ".
N. Huyền